Với sự phát triển của công nghệ, podcast không còn là một sở thích đơn thuần mà đã trở thành một nghề nghiệp, một phương pháp kiếm thêm thu nhập thụ động đầy tiềm năng. Với việc ngày càng có nhiều người lựa chọn podcast như một phương tiện giải trí, học tập và kết nối, không khó hiểu khi nhiều người tìm cách biến đam mê này thành lợi nhuận. Trong bài viết này, Money with Mina sẽ cùng bạn khám phá cách để bắt đầu với podcast và phương pháp kiếm thêm thu nhập hiệu quả từ nó. Hãy cùng đi sâu vào bí quyết giúp biến giọng nói và ý tưởng của bạn thành nguồn thu nhập bền vững, từ đó hướng đến mục tiêu an tâm và tự do tài chính.
Mục lục
- Podcast là gì?
- Bắt đầu với podcast như thế nào?
- Có những cách nào để kiếm tiền từ podcasting?
- Tổng kết
Podcast là gì?
Podcast, nói một cách đơn giản, là một tệp âm thanh kỹ thuật số, được đăng tải lên mạng cho phép mọi người nghe bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Với khả năng tự do truy cập, podcast có nhiều lợi thế hơn so với radio truyền thống như cho phép nghe đi nghe lại nhiều lần tuỳ thích.
Podcast thường có nhiều tập, được dẫn bởi một hoặc nhiều người dẫn khác nhau và xoay quanh một chủ đề cụ thể. Hãy cùng Money with Mina liệt kê một số kênh podcast của chị em phụ nữ chúng mình nhé:
- Thuần Podcast
- The Present Writer
- Sunhuyn Podcast
- Giang ơi Radio
- 1 chút ánh ngọc
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Batista – một công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng, số lượng người nghe podcast trên toàn thế giới năm 2023 là 465 triệu người và con số này sẽ tăng lên trên 500 triệu người trong năm 2024. Với số lượng người quan tâm nhiều như vậy, podcast đang dần trở thành công việc mang lại nguồn thu nhập phụ ổn định cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ.
Nguồn: Internet
Bắt đầu với podcast như thế nào?
Bước 1: Chọn chủ đề và nền tảng phù hợp
Lời khuyên của Money with Mina dành cho bạn là nên chọn chủ đề mà bạn yêu thích và biết rõ về nó. Điều này giúp bạn xây dựng niềm tin với người nghe, đồng thời cũng khiến bạn trở thành chuyên gia trong mắt họ.
Mặt khác, chủ đề này phải đủ rộng để bạn có thể chia nội dung thành nhiều mùa hoặc nhiều tập và đủ hấp dẫn để có thể thu hút lượng người nghe nhất định.
Sau khi xác định xong chủ đề bạn muốn nói, giờ là lúc quyết định xem nên chia sẻ podcast của mình trên nền tảng nào. Bạn có thể tự lập website riêng hoặc sử dụng podcast hosting như Anchor hoặc BuzzsSprout, cho phép lưu trữ và phân phối các tập podcast của bạn trên Internet. Dịch vụ này cung cấp các công cụ giúp bạn quản lý, phân phối podcast trên các ứng dụng như Spotify hay Apple Music và theo dõi kết quả của podcast.
Có một lưu ý nhỏ khi chia sẻ trên Spotify là podcast của bạn phải thoả mãn các điều kiện sau:
- Xuất bản ít nhất một tập
- Có mô tả về kênh podcast
- Sử dụng ảnh bìa cho kênh
- Nằm trong ít nhất 1 danh mục cụ thể của Spotify
- Lựa chọn ngôn ngữ cho podcast
- Có tên chủ kênh
- Có nội dung rõ ràng và phù hợp với tiêu chuẩn của Spotify
Nguồn: Internet
Bước 2: Chọn thiết bị và phần mềm cần thiết
Khi mới bắt đầu sản xuất podcast, bạn chưa cần phải đầu tư quá nhiều đâu. Bạn có thể tận dụng chính chiếc điện thoại, máy tính bảng và máy tính để bàn hoặc laptop của mình để thu âm và điều chỉnh podcast.
Khi đã có lượng người theo dõi nhất định và bạn muốn phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn thì đây là lúc bạn nên đầu tư một chiếc micro riêng biệt để có âm thanh rõ ràng hơn.
Bạn cũng không cần phải trả tiền cho những phần mềm chỉnh sửa nếu tình hình kinh tế hiện tại chưa cho phép. Hãy để Money with Mina giới thiệu với bạn 2 ứng dụng chỉnh sửa miễn phí này nhé:
- GarageBand (chỉ sử dụng trên các thiết bị của Apple)
- Audacity (có thể sử dụng trên tất cả các thiết bị)
Nếu bạn muốn cải thiện chất lượng của podcast, hãy cân nhắc đầu tư vào những phần mềm trả phí với nhiều tính năng hơn như:
- Adobe Audition
- Logic Pro X
- Hindenburg Journalist
Và đừng quên, bạn hoàn toàn có thể thuê người giúp chỉnh sửa podcast thông qua các mạng xã hội như Facebook. Điều này giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và có thể tập trung sáng tạo nội dung chất lượng hơn.
Bước 3: Xây dựng kịch bản và tiến hành ghi âm
Các nàng hoàn toàn có thể soạn trước nội dung cần nói hoặc tuỳ cơ ứng biến trong lúc ghi âm. Và đừng lo nếu quá trình ghi âm kéo dài hơn bạn tưởng tượng. Ngay cả những nhà sản xuất podcast chuyên nghiệp với kịch bản được chuẩn bị đầy đủ cũng phải nghỉ giải lao, tạm dừng, ghi lại và chỉnh sửa âm thanh để có được một tập podcast hoàn chỉnh nhất. Vậy mới nói, podcast cũng cần thời gian và sự luyện tập chăm chỉ để đạt được thành công.
Có những cách nào để kiếm tiền từ podcasting?
Kiếm tiền từ các nhà tài trợ
Nguồn thu nhập chính của podcast thường đến từ các thương hiệu và nhãn hàng, hay còn được biết đến là các nhà tài trợ. Họ muốn thông qua podcast để:
- Quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ của mình
- Tăng độ nhận biết của thương hiệu và nhãn hàng
- Tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu
Do đó, các nhà sản xuất nội dung podcast có 2 cách chính để quảng cáo cho nhà tài trợ của mình:
- Trực tiếp: Người dẫn trực tiếp nhắc đến thương hiệu hoặc nhãn hàng thông qua lời giới thiệu như “Podcast này được tài trợ bởi nhãn hàng…”
- Gián tiếp: Podcast vẫn giữ nguyên chủ đề chính của mình nhưng có thể thêm thắt những ví dụ về sản phẩm hoặc dịch vụ cần quảng cáo
Kiếm tiền bằng tiếp thị liên kết (Affiliate marketing)
Với phương pháp này, bạn có thể đính kèm link đến website bán hàng của thương hiệu khi chia sẻ podcast của mình trên các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok. Với mỗi lượt nhấn chuột hoặc mỗi lần mua hàng, bạn có thể thu được phí hoa hồng từ 1% đến 5% giá trị của sản phẩm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp mã giảm giá độc quyền cho người nghe podcast của mình. Số lần mã giảm giá được nhập càng nhiều, số tiền hoa hồng bạn kiếm được càng lớn.
Tìm hiểu thêm về tiếp thị liên kết ngay.
Kiếm tiền bằng cách liên kết với kênh Youtube
Podcast không chỉ giới hạn trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Apple Music, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu mở rộng phạm vi tiếp cận sang cả nền tảng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới – Youtube. Podcast giờ đây phát triển thành video-cast cho phép bạn chia sẻ khung hình người dẫn và khách mời nếu có. Với Youtube, bạn có thể kiếm thêm thu nhập thụ động thông qua 2 cách chính:
- Lượt xem
- Bật tính năng quảng cáo
Kiếm tiền bằng cách bán các dịch vụ đi kèm hoặc các sản phẩm liên quan
Khi đã có lượng người nghe nhất định, bạn có thể tính đến việc bán các dịch vụ kèm theo hoặc sản phẩm có liên quan đến podcast của mình.
Lấy ví dụ, bạn có một kênh podcast trên Spotify với khoảng hơn 20.000 lượt nghe hàng tháng về chủ đề tài chính. Bạn hoàn toàn có thể bán các khóa học về an tâm tài chính, quản lý chi tiêu, tăng thêm thu nhập cho người theo dõi kênh của mình. Ngoài ra, bạn còn có thể bán những sản phẩm có đính kèm logo hay ảnh bìa của kênh như cốc, sổ tay hay bút viết.
Kiếm tiền từ donate (đóng góp) của người nghe
Sản xuất nội dung podcast thường tốn nhiều thời gian cũng như công sức. Do đó, để giúp bù đắp chi phí sản xuất mỗi tập, bạn có thể nhờ người hâm mộ quyên góp tiền cho mình bằng cách chuyển khoản ngân hàng hay sử dụng ví điện tử. Và hãy nói rõ với người hâm mộ rằng bạn sẽ sử dụng số tiền đó cho mục đích gì, ví dụ như:
- Mua thiết bị ghi âm mới
- Cập nhật phần mềm chỉnh sửa chuyên nghiệp hơn
- Mời chuyên gia đến chia sẻ trong podcast của bạn
Bật mí nho nhỏ, sử dụng podcast hosting giúp bạn tạo ra link donate đính kèm với podcast trên Spotify và Apple Music một cách dễ dàng.
Nguồn: Internet
Kiếm tiền từ gói thành viên
Phương pháp này phù hợp với những bạn sản xuất podcast một cách độc lập và có trang web của riêng mình. Với phương pháp này, bạn cung cấp cho người nghe các gói thành viên với quyền lợi khác nhau như:
- Tiếp cận với nhiều nội dung hơn
- Quyền truy cận sớm đối với nội dung mới
- Mã giảm giá khi mua các dịch vụ đính kèm hoặc các sản phẩm có liên quan
Phương pháp này mang lại nguồn thu nhập thu động ổn định vì người nghe thường đăng ký các gói thành viên theo tháng, quý hoặc năm.
Tổng kết:
Podcasting mang lại một sân chơi mới cho bất kỳ bạn nữ nào muốn chia sẻ câu chuyện, kiến thức hay đam mê của mình. Podcasting không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo mà còn mở ra cơ hội kiếm thêm thu nhập thụ động mà không bị giới hạn. Dù bạn chỉ mới bắt đầu hay đã có kênh podcast cho riêng mình, nhớ rằng sự kiên nhẫn, tính sáng tạo và khả năng kết nối với khán giả chính là chìa khóa để thành công. Đừng quên tham khảo thêm các khóa học và thông tin về tài chính tại “100 ngày tự chủ kế hoạch tài chính” trên trang web của Money with Mina để nâng cao kỹ năng và kiến thức, từ đó tối ưu hóa thu nhập từ podcast. Hãy bắt đầu hành trình podcasting của bạn, khai thác tối đa tiềm năng kiếm tiền từ đam mê này và cùng chúng tôi hướng đến mục tiêu an tâm, tự do tài chính!