Bạn có đang tiêu dùng quá mức trên Tiktok

Tiktok – nền tảng số thay đổi cả một thói quen tiếp cận nội dung lẫn mua sắm của người tiêu dùng hiện nay. Các video về các mặt hàng, sản phẩm xu hướng được lan truyền một cách chóng mặt và nhận được cả núi tương tác khủng. 

Thế nhưng, mặt trái của Tiktok về vấn đề tiêu dùng, bạn đã biết chưa?

Bạn liệu có bao giờ lướt Tiktok và cảm thấy mong muốn sở hữu một món đồ nào đó chỉ để cho kịp xu hướng và hợp thời? Hay luôn muốn mua, mua và mua vì nó quá rẻ?

Trong bài viết này, hãy cùng Money with Mina có thêm góc nhìn về chi tiêu với Tiktok nhé!

Bạn có đang là “kẻ tích trữ”?

Theo Metric, tính từ nửa đầu năm 2023, TikTok Shop đạt 16.300 tỷ đồng doanh thu, lấy thị phần của nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam nhờ thế mạnh giao thoa giữa nội dung giải trí và yếu tố thương mại. Theo đánh giá, tính giải trí trên TikTok chính là lý do thúc đẩy các hoạt động khám phá sản phẩm và mua hàng. Nhờ việc truyền miệng, kết hợp với cộng đồng đa dạng, giải trí và thương mại đang tạo ra một hành trình liền mạch và rút ngắn từ giai đoạn tìm hiểu về sản phẩm cho đến mua hàng trên Tiktok Shop.

Dạo quanh một vòng Tiktok, bạn dễ dàng bắt gặp rất nhiều các video được edit công phụ, âm nhạc bắt tai và không quên gắn link chiếc giỏ hàng ngay bên dưới đã thu hút rất nhiều sự chú ý và mua hàng. 

Vì sao Tiktok có thể biến bạn thành “Kẻ tích trữ”? Xu hướng video ngắn đã làm choáng ngợp lấy tâm trí bạn và kích thích bạn “xuống tiền” trong vô thức thầm lặng. Đồng thời, việc liên tục “ám thị” bằng thị giác nhờ các video giới thiệu bắt mắt sẽ khiến bạn dễ rơi vào hố sâu FOMO (Fear of missing out – tạm dịch Nỗi sợ bỏ lỡ), kích thích việc mua hàng nhanh hơn. Tiếp đến, Tiktok không ngừng tạo nên những điều kiện vô cùng hoàn hảo để bạn tiến đến nấc thang mua hàng ví dụ giảm sập sàn, freeship mạnh mẽ cùng sự kết hợp bởi những nhân vật KOL tên tuổi, đánh mạnh hạng mục livestream và săn sale giờ vàng. Những mặt hàng được mua nhiều có thể kể đến mỹ phẩm, quần áo, túi xách, đồ gia dụng, vật dụng thường ngày,…

Nhìn vào mặt lợi ích, có thể bạn sẽ mua được một món hàng với giá hời hoặc mua được số lượng hàng cực kỳ lớn. Lúc đầu, bạn sẽ rất vui mừng nhưng về sau, bạn có chắc chắn mình thật sự muốn món đồ ấy hay không? Hoặc sau đó, bạn có đang cảm thấy tốn tiền hay hối tiếc không? Chính vì tính chất nhanh, mạnh, trendy, Tiktok không cho bạn đủ thời gian để suy ngẫm “Mình có thực sự cần sản phẩm này?”

Bạn càng mua nhiều thì càng tích trữ nhiều. Ví tiền của bạn cạn đi còn doanh thu Tiktok thì ngày càng kếch xù.

Thoát khỏi bẫy ám thị hoàn hảo

Bạn còn nhớ hiệu ứng ly cà phê hay thỏi son môi hay không? Tiktok đang áp dụng những điều này nhằm “lấy lòng” bạn đó nhưng cao tay hơn nhờ tích hợp tính giải trí, đánh mạnh vào cảm xúc lẫn thị giác của bạn.

Vậy làm sao để thoát bẫy? Money with Mina gợi ý bạn những tips nhỏ sau:

Chậm lại 1 giây và thử đặt ra những câu hỏi như:

  • Món đồ này mình đã có hay chưa?
  • Mình có cần món đồ này ngay lúc này hay chưa? Nếu có, mình cần cho việc cụ thể gì?
  • Nếu mình chưa sở hữu món đồ ngay lúc này thì chuyện gì xảy ra?
  • Món đồ này mình mua vì nó quá rẻ hay vì nó hợp thời?
  • Mình có đang bị cuốn theo nhịp điệu video và lời nói của người streamer bán hàng?
  • Mục tiêu tài chính của mình là gì? Liệu mình mua món đồ này nếu không cần thiết và lặp lại nhiều lần, mục tiêu ban đầu có bị ảnh hưởng hay không?

Tuân thủ quy tắc 50 – 30 – 20

Bạn còn nhớ quy tắc dễ thương này không? Trước tiên, bạn bỏ ống heo 20% cho tiết kiệm, kế đến dành 50% cho chi tiêu CẦN (ví dụ như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, tiền chăm sóc sức khỏe,…) và cuối cùng “em út” 30% dành cho các chi tiêu MUỐN (như đi shopping, xem phim, du lịch, đi ăn nhà hàng,…).

Đừng quên mục tiêu tài chính của mình

Bạn mong muốn nghỉ hưu sớm hay sở hữu bất động sản năm 30 tuổi? Bạn đang dự định làm đám cưới với bạn đời trong 1 năm tới hay có em bé trong vòng 03 năm sau kết hôn?

Dù kế hoạch của bạn là gì, đừng quên mất nhé! Việc tuân thủ kỷ luật mềm sẽ giúp bạn tiến gần hơn và nhanh hơn đích đến và mục tiêu mong muốn. Đồng thời, điều này giúp bạn chi tiêu thông thái và có trách nhiệm hơn với bản thân lẫn môi trường. Đừng mua bừa bãi để rồi phải bỏ phí và tạo nên nhiều rác thải nhé.

Tổng kết:

Việc chi tiêu hợp lý, có chủ đích không chỉ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn, chi tiêu sáng suốt hơn mà còn mang lại cảm giác đủ đầy và an tâm hơn. Bạn cảm thấy như thế nào về việc mua sắm trên Tiktok, cho Money with Mina biết với nhé!