Tiềm ẩn nguy cơ dính bẫy lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn và link “rác độc”

Lừa đảo qua không gian mạng chưa bao giờ trở thành nỗi ám ảnh của người người nhà nhà như bây giờ. Hàng loạt các cuộc gọi và tin nhắn rác chứa đựng những cạm bẫy rút cạn ví của bạn bất cứ lúc nào.

Hãy cùng nhận diện và tham khảo những gợi ý để có thể bảo vệ cả của lẫn người khi sử dụng các thiết bị điện tử và lướt mạng nhé!

Giăng bẫy đánh đòn tâm lý

Có lẽ bạn rất bất ngờ và hốt hoảng khi nhận được những email hay tin nhắn xác nhận như:

Bạn đã thanh toán số tiền XXX…”

Ứng dụng ngân hàng của khách hàng được phát hiện kích hoạt trên một thiết bị lạ. Nếu không phải bạn vui lòng truy cập link:…

Hóa đơn hoàn trả của bạn đã có hiệu lực. Truy cập vào link sau để theo dõi.

Tận dụng tâm lý lo lắng, sợ hãi khi mất tiền của nhiều người, các “siêu lừa” đã tung chiêu đánh đòn khiến người dùng “chỉ muốn nhanh chóng xác nhận và kiểm tra”. Tinh vi là những tin nhắn trên đều được gửi đến trong cùng mục với tin nhắn thật của ngân hàng, tên website cũng gần giống với tên miền của các ngân hàng. Chính điều này khiến cho nhiều người dùng không nghi ngờ mà cho rằng đây là tin nhắn do ngân hàng gửi. Nếu người tiêu dùng cảnh giác, để ý kỹ sẽ nhận ra đường link website ngân hàng trong tin nhắn có thêm những ký tự khác so với tên miền của ngân hàng.
Đáng buồn thay, không ít người đã bị dính bẫy để vì đã làm theo và chịu thiệt hại rất lớn.

Với các email, chúng sẽ dẫn dụ người dùng một cách rất tinh vi bằng những câu văn chuyên nghiệp như “thiệt”, nhấn mạnh về “hóa đơn, giao dịch, hoàn trả,…” và không quên “tệp đính kèm” đường link chứa mã độc.

Không chỉ tin nhắn, các đối tượng lừa đảo còn gây ức chế bằng cách làm phiền bằng các cuộc gọi điện thoại liên tục và dài kỳ. Với những người luôn phải để ý các công việc và thường xuyên liên hệ các mối quan hệ cần thiết qua điện thoại, họ sẵn sàng cho mọi cuộc gọi đến và đây chính là kẽ hở mà các “trộm online” nhắm tới. Có những cuộc gọi khiến người nghe “giận tím người” khi bị nháy máy liên hồi với các đầu số lạ, số điện thoại bàn bắt đầu từ “024…”. Có thể thấy, các đối tượng đã lợi dụng sự uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp (thường có số điện thoại bàn 024…) để quấy rối người nghe.

Ngoài các cuộc gọi chóng vánh, không ít người dùng rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười” với những kịch bản “trời ơi đất hỡi” của các siêu lừa. Nguy hiểm hơn là các cuộc mạo danh đang lo cho người nhà (đặc biệt là trẻ nhỏ) của bạn đang bị tai nạn, gặp chấn thương phải vào bệnh viện, cần chuyển tiền để làm hồ sơ khiến không ít bậc cha mẹ tá hỏa vì lo cho con. Và điều khiến nhiều người hoảng sợ hơn, đó là không phải chỉ duy nhất một cá nhân đơn thuần tiếp xúc với họ để thực hiện hành vi lừa đảo mà đằng sau chính là một “tập đoàn” hay “doanh nghiệp ma” dàn xếp và lo liệu. Chúng có thể gọi bạn cả ngày lẫn đêm, với 1001 kịch bản “chế” rất tỉ mỉ và chi tiết cùng sự góp sức của hàng ngàn “diễn viên”.

“Soi” ngay dấu hiệu nhận biết

Hãy để ý kỹ các đường link trước khi “vội vàng”, bạn sẽ tinh ý phát hiện ra những ký tự lạ. Đôi khi, đó chỉ là 01 chữ cái rất nhỏ bé cũng dễ gây hiểu lầm và dính bẫy.

Bạn có thể tham khảo bảng sau

Link thật (1)Link giả (2)Sự khác biệt
123@gmail.comI23@gmail.comSố 1 (thường) và số I (Ký hiệu La Mã)
citibank.co.incitibank.co.inChú ý hai chữ cái “a” và “a”
whatapps.com/?colorwhatapps.com/?colorChú ý chữ cái “w” ; “t” và “w”; “t”
(ví dụ minh họa)

Để đối phó các email “lạ lùng”, bạn hãy cẩn thận so sánh “địa chỉ” với “tên gọi” có khớp hay không nhé! Hầu hết các email rác đều có địa chỉ khác so với tên hoặc nếu mạo danh nhãn hàng/thương hiệu thì sẽ có những dấu hiệu lạ tương tự như link độc.
Nếu nhận thấy “tên” một nẻo, “nhà” một đường thì nguy cơ rất cao đó là email giả mạo. Ví dụ như Singletell.com (tên) nhưng địa chỉ gốc thì lại ở no-reply@multiscreensite.com (???)

Tiếc thay, với các cuộc gọi “Spam” thì người dùng sẽ cần chịu khó “rà đài” và chặn thủ công bằng tay. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc một số ứng dụng phát hiện spam giúp hiển thị số khi cuộc gọi đến.

Chậm mà chắc trước mọi tình huống

Câu hỏi “Bao giờ mới hết lừa đảo?” quả thực khiến nhiều người ngao ngán vì độ khó trả lời khi nhìn vào thực tế. Có người còn nửa đùa nửa thật “Một mét vuông có tới 9 tên lừa đảo”. Vậy làm sao để tránh “bẫy”?

Không ai chắc chắn mình sẽ luôn sáng suốt và thông thái trong tất cả trường hợp, đặc biệt khi nhìn lại các vụ việc phụ huynh bị lừa xảy ra vừa qua nhưng việc bình tĩnh và chậm lại một vài phút để kiểm tra thông tin là việc CẦN.

  • Cẩn trọng và không vội click bất cứ link trong email, SMS…
  • Lưu ý kiểm tra kỹ các địa chỉ url có sự thay đổi tên hoặc các ký tự Latin 
  • Kiểm tra thông tin đồng bộ: tên gọi, địa chỉ email, đường link, câu văn, ngữ cảnh,…
  • Tuyệt đối không làm theo bất cứ yêu cầu nào của kẻ lừa đảo qua điện thoại. Xác nhận thông tin sự việc trước khi chuyển khoản (gọi điện trực tiếp cho người thân, hỏi thăm những người xung quanh một lượt,…)
  • Dùng kế “hoãn binh” trước các cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, số CCCD, địa chỉ nhà, … Dành ra vài phút gọi điện cho đường dây nóng của đơn vị chủ quản hoặc chính quyền địa phương để xác minh độ tin cậy.
  • Nguyên tắc bất di bất dịch các ngân hàng luôn nhắc đến trong tin nhắn SMS: “Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai” – đừng để lộ dãy số bí mật này nhé

Chậm mà chắc chính là điều cốt lõi đảm bảo cho mọi sự an toàn cho tài chính và bản thân bạn. Nguyên tắc bảo toàn vốn chính là việc giữ tiền thật cẩn thận và không cho kẻ lạ mó tay vào ống heo của mình. Hãy tỉnh táo trước mọi hành vi lừa đảo và báo cáo cho cơ quan chính quyền để giải quyết khi cần thiết.

Tổng kết

Các chiêu trò lừa đảo qua gọi điện, tin nhắn và email chứa đường link độc đầy tinh vi đang nở rộ, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây tâm lý bất an, lo lắng cho mọi người dùng.

Hãy luôn cẩn thận và bình tĩnh trước mọi tình thế khẩn cấp “ảo” với những tips xác nhận thông tin thật kỹ lưỡng. Bảo vệ túi tiền chính là cách bạn bảo toàn vốn tốt nhất!