Có lẽ thời khắc thay đổi cuộc đời của người phụ nữ chính là khi có con và đồng hành cùng con. Thời điểm “vàng” sức khỏe dành cho việc mang thai là khoảng 25 – 35 tuổi, trùng hợp thay, đây cũng khoảng thời gian đầu tư cho sự nghiệp và tài chính tốt nhất.
Không ít chị em đã rất phải đắn đo, suy nghĩ khi đứng giữa việc sinh con hay không, vì nghĩ đến những khó khăn sau khi sinh về nhiều mặt như sức khỏe, tài chính, sự nghiệp, mối quan hệ,…
Trong bài viết này, hãy cùng Money with Mina thấu hiểu một phần “thiệt thòi” của chị em phụ nữ sau sinh, để thêm yêu thương, đồng cảm và trân trọng giá trị của họ hơn nhé!
Nỗi lo tài chính?
Có lẽ ai cũng hiểu, chi phí dành cho mẹ và bé kể từ khi mang thai, sinh nở, đầu tư giáo dục, chăm sóc y tế,… là một con số không hề nhỏ chút nào. Các cặp đôi đã phải lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và dành dụm khoản tiền cho việc đón em bé chào đời.
Không chỉ vậy, sau khi sinh bé, người mẹ nghỉ thai sản (bao gồm các tháng cuối thai kỳ) khoảng từ 06 – 12 tháng để hồi sức và chăm bé, họ không thể đi làm trở lại hoặc kiếm được nguồn thu nhập lớn ngay lúc này.
Sau khi đi làm trở lại, họ đối diện với việc “Mình sẽ làm gì và làm ở đâu?”. Với những vị trí như nhân viên, chuyện bị thay thế là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hoặc bạn sẽ phải chuyển bộ phận, đối diện với những áp lực phải theo kịp đồng nghiệp hay suy giảm phong độ bởi vốn dĩ quỹ thời gian, sức khỏe của bạn không thể như trước. Còn đối với các chức vụ cao hơn như quản lý, trưởng phòng thì bạn sẽ phải rất cố gắng để theo guồng công việc hoặc sẵn sàng bỏ việc nơi cũ và bắt đầu lại tại một nơi mới.
Nhiều bà mẹ bỉm sữa đã sắm thêm cho mình 2, 3 công việc ngoài giờ như kinh doanh online, shipper, thiết kế,…Vì áp lực lo lắng tài chính và khẳng định bản thân khi trở lại sau sinh, họ luôn phải “gồng” mình và chịu thiệt.
Vậy nên, nếu bạn là một người chồng, hãy động viên và là chỗ dựa tinh thần cho mẹ và bé nhé! Nếu bạn đang có ý định mang thai và sinh em bé, việc ngồi lại tính toán và thảo luận kế hoạch với nửa kia của mình là vô cùng cần thiết, cân nhắc kỹ lưỡng để chuẩn bị tài chính dư dả cho tương lai.
Quỹ thời gian eo hẹp
Bạn có bao giờ hình dung một ngày của một người mẹ hay không?
Mỗi sáng sớm, cô thức dậy, ngay khi chồng và con chưa ngủ dậy, đã phải tất bật đi chợ, nấu bữa sáng và cả bữa trưa cho gia đình. Chưa kể, cô còn phải giặt giũ, dọn dẹp việc nhà.
Vội vàng đưa con đi học xong, cô quay ngược trở lại đi đến công ty. Sau một ngày “chiến đấu” thật năng suất, cô lại tiếp tục vượt mọi con đường “kẹt xe” đến đón con, sau đó về nhà và lo bữa tối. Chăm con, dọn nhà, nấu nướng là những gì bám lấy họ cả buổi. Với những nàng dâu sống chung với nhà chồng, họ còn phải lo lắng cho cả cha mẹ chồng lẫn cả chồng con cả về bổn phận và trách nhiệm.
Có những ngày, họ phải tăng ca, không kịp ăn tối, về nhà muộn chỉ thấy con đã ngủ. Những gia đình “chịu chi” cho người giúp việc, đỡ đần công việc nội trợ tại nhà thì có vẻ “nhẹ nhàng” hơn, tuy nhiên, số tiền chi trả cho việc này hiện nay cũng không phải nhỏ (dao động khoảng 8 – 15 triệu/tháng)
Kết thúc một ngày, không ít người tiếc nuối vì không có thời gian chăm lo cho bản thân mình. Cơ thể mệt mỏi rã rời khiến họ “lười biếng” cho việc skincare, tắm rửa, làm tóc,…và chỉ muốn làm qua loa để nghỉ ngơi.
Thời gian dành cho con nhỏ và gia đình đã chiếm lấy khoảng 75% lo lắng của người mẹ, thậm chí ngay lúc làm việc họ vẫn luôn nghĩ đến con và xử lý những chuyện của con. Những người mẹ đơn thân hoặc có chồng thường xuyên đi làm xa thì càng đáng được ngưỡng mộ hơn nữa vì khả năng “chịu thương, chịu khó” của họ.
Trầm cảm sau sinh – cơn ác mộng hiện thực
Bạn biết dấu hiệu đáng sợ nào bắt nguồn cho cơn ác mộng này không? Đó là khi người mẹ mẹ sợ hãi và bối rối khi nghe tiếng con khóc. Họ không dám bế con, cho con bú, thậm chí đánh mất lý trí làm đau chính mình và cả con mình, chỉ vì rối loạn tâm sinh lý sau sinh.
Không ít chị em “lần đầu bỡ ngỡ” với thiên chức làm mẹ, khi sức khỏe chưa kịp bình phục, họ phải đối mặt với chuyện chăm sóc con ra sao, ăn thế nào cho đủ, có cho con bú được không, áp lực từ phía gia đình cách chăm sóc em bé… Những cơn mất ngủ triền miên, cộng với sự lơ là quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng của mọi người xung quanh khiến họ rơi vào hố sâu trầm cảm.
Những nhà chỉ có một mẹ, một con, không được chăm lo cảm xúc thì càng có nguy cơ trầm cảm hơn. Nhiều phụ nữ vì mâu thuẫn với chồng về tài chính hoặc bất mãn với gia đình, chống chọi với bệnh tật thì càng dễ nghĩ quẩn hơn nữa.
Trầm cảm sau sinh đang là câu chuyện nóng được cảnh báo trong từng gia đình và nếu không phát hiện, can thiệp sớm sẽ dẫn tới những rối loạn tâm thần, có hành vi nguy hiểm cho bản thân và con cái. Đừng chủ quan với những hành động và suy nghĩ bất thường của người vợ/người mẹ của bạn, cũng như đừng để họ một mình cô đơn và chịu đựng những tổn thương quằn quại đau đớn.
Tổng kết
Dẫu biết có nhiều khó khăn và vấp váp khi làm vợ, làm mẹ lẫn trong việc thăng tiến trong sự nghiệp, các chị em phụ nữ thật sự cần được chia sẻ, thấu hiểu và chăm sóc về cả thể chất lẫn tinh thần. Việc tìm kiếm cho mình sự đồng cảm từ phía người bạn đời, gia đình và cộng đồng xung quanh rất quan trọng để nâng đỡ và hỗ trợ cho sự phát triển cũng như phòng tránh những sự cố đáng tiếc cho các chị em.
Thấu hiểu điều đó, Money with Mina cho ra đời chuỗi sự kiện LiftHER Coffee Chat – những cuộc hẹn bí mật và an toàn dành riêng cho các Nàng, nơi bạn có thể tìm kiếm và cùng thảo luận về những vấn đề khó nói cùng những câu chuyện rất đời. Hãy theo dõi thông tin trên trang fanpage Money with Mina để cập nhật sự kiện, chỉ cần bấm “Interested” (Quan tâm) trên link sự kiện, bạn đã đăng ký thành công!