Tăng thu nhập nhờ kỹ năng đàm phán

Tối qua trong buổi OnMic, có hơn 180 bạn tham gia bàn luận sôi nổi về đề tài đàm phán để tăng lương. Kết thúc buổi trò chuyện 3 tiếng đồng hồ đến tận 10g khuya, mình tóm tắt lại vài điểm chính cho các bạn chưa có dịp tham gia:

Bạn nên bắt đầu bằng mục tiêu bản thân mình – bạn muốn phát triển như thế nào trong sự nghiệp của mình. Bạn có đặt kế hoạch lương mình sau 5 năm, 10 năm sẽ được tăng xx%?

Khi có kế hoạch, bạn mới tiến tới việc thực hiện nó ra sao. Suy nghĩ về nó và đặt mục tiêu cho nó sẽ giúp bạn mạnh dạn và chủ động trong các bước thực hiện.

1. Mức lương kỳ vọng ban đầu cần được chia sẻ và đặt đúng khi chọn công việc.

Nếu bạn chấp nhận mức thấp hơn thì bạn cần phải lên kế hoạch tăng nó trong vòng xx năm. Tìm cơ hội chia sẻ thật lòng với sếp mình.

2. Khi nhận việc, trong năm đầu tiên, bạn nên xin ngồi với sếp để ‘align’ định hướng.

Kỳ vọng và cơ hội phát triển tại công ty bạn suy nghĩ có giống và cùng suy nghĩ của sếp bạn không? Nếu không, bạn cần hiểu rõ những kỳ vọng nào đặt ra cho bạn. Không ngại hỏi về các cơ hội thăng tiến phát triển để lâu dài cùng công ty. Bước này thật quan trọng nếu bạn bỏ qua (skip) nó sẽ dẫn đến việc bạn sẽ e dè đề nghị sau này.

3. Không ngại miệng, e dè. Nhiều bạn chia sẻ văn hoá và suy nghĩ khác nhau ở Vietnam.

Mình đồng cảm với bạn. Nhưng việc chủ động và nắm bắt cơ hội sẽ chỉ tốt cho những ai cố gắng vượt qua. Ngồi chờ quả rụng trước mắt cũng giống như việc mua vé số, đó là suy nghĩ cá nhân của mình.

4. Phát triển kỹ năng đàm phán, thoả thuận, và nếu cần…. đòi hỏi khi cần thiết để được tăng lương.

Dĩ nhiên, không những bạn cần đạt chỉ tiêu của mình, mà còn vượt 150% lần những KPI được giao. Làm tốt không những cho công ty, cho công việc, cho khách hàng, và còn cả team và đồng nghiệp của mình. Luôn cho đi nhiều hơn, vượt mục tiêu, là nền tảng để bạn có thể đàm phán khi có cơ hội.

5. Sếp mình cũng là người, và không có câu hỏi nào là ngu ngốc (there is no stupid question).

Bạn mở lời nhẹ nhàng với tinh thần xây dựng cùng sếp và mong biết được bạn cần làm gì để có thể đóng góp nhiều hơn cho công ty, vì bạn mong được lâu dài và giúp công ty phát triển, từ đó bạn cũng sẽ được phát triển bản thân mình và thăng tiến cùng tổ chức.

6. Đừng ngại việc bị từ chối với các đề nghị của mình.

Khi từ chối, xin được nghe các ý kiến và lý do, để bạn có thể cải thiện và làm tốt hơn cho năm sau. Và năm sau khi có kết quả tốt, bạn gõ cửa xin nói chuyện với sếp.

7. Nếu tất cả những điều trên bạn đã thử, đã chủ động, đã đàm phán vẫn không thành công, thì câu hỏi đặt cho bạn, đây có phải là môi trường cho bạn tiếp tục lâu dài không?

Mạnh dạn tìm những cơ hội bên ngoài để định giá cho bản thân.

Các bạn ơi, dĩ nhiên hàng có trăm lý do, hoàn cảnh, ý kiến cản trở chúng ta thực hiện các bước trên. Những lời khuyên có thể không áp dụng hết cho tất cả. Nhưng chúng ta cần thống nhất một quan điểm này, nếu bạn muốn điều gì đó thì bạn cần chủ động và nắm bắt cơ hội. Vì nếu bạn không làm, không ai có thể giúp hoặc làm giúp bạn. Nếu bạn có người sếp toàn tâm toàn ý tập trung vào giúp đỡ bạn, chúc mừng bạn, bạn rất may mắn.

Mình cũng đã từng là nhân viên junior khi mới ra trường, và phát triển đến vị trí lãnh đạo và quản lý team trong rất nhiều năm qua. Mình biết rất rõ nếu người sếp tốt và lãnh đạo tốt, họ sẽ tạo cơ hội cho nhân viên phát triển không phải chỉ sự nghiệp mà cả cho bản thân. Vì sếp hay ai thì cũng phải trãi qua đoạn đường sự nghiệp như nhau. Nếu không may bạn gặp một môi trường không tạo đủ điều kiện này cho bạn, thì chỉ có bạn quyết định nên ở lại hay tạo cơ hội mới cho bản thân.

Chúc các bạn thành công trong sự nghiệp cũng như đàm phán lương trong tương lai, bạn nhé. Chúc bạn sẽ có mức lương gấp đôi, gấp ba trong 5-10 năm tới, như bản thân mình đạt được do sự “chiến đấu” không ngừng.

– Money With Mina team