Nếu bạn thấy khó khăn khi lập ngân sách – Hãy làm ngược lại

Về nguyên tắc, lập ngân sách nghe có vẻ khá dễ. Bạn chỉ cần lấy thu nhập hàng tháng, trừ ra các khoản chi tiêu, và phần còn lại dành để tiết kiệm cho các mục tiêu của bạn. Đơn giản, đúng không? Nhưng thật không may, khi đưa việc chi tiêu thực tế đúng theo phân bổ 50/30/20, bạn cảm thấy không hề dễ dàng chút nào. Lập ngân sách đòi hỏi hai thứ mà hầu hết mọi người ngày nay đều không có – thời gian và kỉ luật.

Và hãy thành thật nhé. Là con người, chúng ta có xu hướng lặp lại một cách máy móc những hoạt động làm ta thấy thoải mái. Đây là lí do vì sao tìm ra một hệ thống ngân sách phù hợp với bạn là điều rất quan trọng. Nó phải thật sự hiệu quả với khả năng kinh tế của bạn. Và cùng lúc, nó phải thật sự dễ thực hiện để bạn có thể duy trì làm tốt.

Nếu như bạn cảm thấy phân bổ 50/30/20 không phải là cách phù hợp với bạn, đây chính là giải pháp, hãy làm ngược lại.

Vậy lập ngân sách ngược là như thế nào?

Theo phương pháp truyền thống, đầu tiên bạn chia nhỏ chi tiêu của mình vào từng hạng mục cụ thể. Sau đó bạn tìm cách chỉnh sửa khoản chi của mình để hạn chế những khoản không cần thiết và dùng để tiết kiệm. Nói cách khác, những khoản chi tiêu sẽ được ưu tiên phân chia trước và phần còn lại là tiết kiệm.

Với ngân sách ngược, bạn sẽ thay đổi sự ưu tiên của mình – tiết kiệm trước khi chi tiêu.

Điều này khiến số tiền tiết kiệm luôn cố định, và bạn buộc phải thay đổi chi tiêu của mình phù hợp với phần còn lại. Nhà lập kế hoạch tài chính Ken Robinson đã giải thích điều đó theo cách này, “Thay vì trả lời cho câu hỏi ‘Tôi phải cắt giảm ở đâu và sau đó tôi có thể tiết kiệm được bao nhiêu?’, chỉ cần quyết định bạn sẽ tiết kiệm bao nhiêu tiền. ‘phải cắt giảm ở đâu’ sẽ tự được giải quyết”.

Nhưng bạn tiết kiệm để làm gì? Với việc lập ngân sách truyền thống, bạn bắt đầu với các khoản chi tiêu. Với lập ngân sách ngược, bạn bắt đầu với các mục tiêu tài chính của mình theo thứ tự sau:
1. Quỹ dự phòng
2. Quỹ hưu trí
3. Các mục tiêu tài chính khác trong tương lai

✨ Công thức lập ngân sách ngược
Công thức để lập ngân sách ngược rất đơn giản:
Thu nhập sau thuế – khoản tiết kiệm = phí sinh hoạt

Đừng ngại bắt đầu bằng khoản tiết kiệm nhỏ và giữ mọi thứ đơn giản

Bạn nên tiết kiệm 20%, đó là lời khuyên bạn thường được nghe, nhưng nếu nó không thực tế với hoàn cảnh của bạn? Hãy cứ điều chỉnh, cho dù là một khoản nhỏ hơn 15-20%, miễn là bạn đã bắt đầu tiết kiệm thì đó là một điều đáng để cổ vũ. Sẽ tốt hơn nếu bạn bắt đầu bằng một khoản nhỏ và tiếp tục tiết kiệm cho các tháng sau, hơn là nhận ra bạn dành quá nhiều tiền để tiết kiệm và không thể đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Phương pháp này giúp đơn giản hóa cuộc sống của bạn, chứ không phải làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

Mẹo nhỏ: Để phương pháp lập ngân sách ngược phát huy tối đa bằng cách cài đặt “tự động hoá” khoản tiết kiệm. Thiết lập tự động chuyển xx% số tiền lương trong tài khoản của bạn đến một tài khoản khác mỗi tháng. Bằng cách này bạn thậm chí sẽ không nhìn thấy được khoản tiền tiết kiệm này trong tài khoản của mình và một khi bạn không nhìn thấy, bạn sẽ không động đến nó.

Chúc các bạn sẽ ứng dụng phương pháp này hiệu quả!