Sắm Tết chừng mực để năm mới tránh nợ nần

Mỗi dịp cuối năm, nhiều người lại đau đầu với bài toán chi tiêu. Không ít cá nhân cho rằng phải tranh thủ cơ hội này để sắm sửa, đi du lịch thỏa thích. Nhờ đó, họ có thêm động lực “cày cuốc” trong thời gian tới.

Theo tôi, đây là tâm lý tiêu dùng thường thấy, song dễ dẫn đến nhiều sai lầm. Trong khoảng thời gian này, bạn vẫn cần lưu ý kỹ các khoản tiền, tiếp tục duy trì kỷ luật tiêu xài thay vì chiều chuộng bản thân quá mức. Nếu không, chắc chắn bạn sẽ khốn đốn khi rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”.

Dưới đây là một số lời khuyên nhằm giúp các bạn khéo léo hơn trước khi tiêu pha trước khi bắt đầu năm mới.

Đừng tiêu xài theo ý thích

Theo nguyên tắc của tôi, mọi loại chi tiêu đều quy về 2 kiểu:

Chi phí cần: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống. Ví dụ: tiền điện, nước, xăng, xe, các loại phí liên quan nhà ở…

Chi phí muốn: Những thứ phục vụ xu hướng giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích của từng cá nhân như xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch…

Thông thường, vào dịp cuối năm, các chi phí muốn có xu hướng tăng cao. Chẳng hạn, bạn sắm sửa áo quần đẹp, trang hoàng nhà cửa, quà cáp cao cấp nhằm hiếu kính gia đình, họ hàng. Ngoài ra, tần suất tiệc tùng tất niên, tân niên cũng dày đặc hơn. Với nhiều người trẻ, đây là những khoản tiêu không thể tránh khỏi trong giai đoạn này.

Ngoài ra, việc “vung tay quá trán” xảy ra thường xuyên vì cá nhân được nhận lương tháng 13 cùng các khoản thưởng lớn. Hoặc cũng có thể, bạn muốn dùng tiền phóng khoáng hơn sau một năm dài nỗ lực làm việc.

Sắm quần áo, tiệc tùng là lý do khiến bạn trẻ chi mạnh tay dịp cuối năm. Ảnh: Phương Lâm.

Tuy nhiên, chỉ những cá nhân thực sự lên kế hoạch tài chính và thực hiện nó một cách nghiêm túc mới nên nghĩ đến chuyện thưởng cuối năm cho bản thân. Bởi họ biết giữ mọi khoản tiêu trong chừng mực, đã có riêng quỹ dự phòng bất trắc và biết đảm bảo duy trì mục tiêu kinh tế lâu dài.

Còn với người không biết kiềm chế ham muốn sắm sửa, rỗng ví, thậm chí mắc nợ sau khi lễ Tết qua đi là kết quả tất yếu. Ngoài ra, khi bước vào năm 2023 với nhiều khoản chưa thanh toán, bạn khó giữ tâm thế thoải mái để hoạch định kế hoạch tiêu dùng cho toàn năm.

Chắc chắn bạn không muốn đầu năm mới đã bị áp lực tiền bạc cho cả năm vì lỡ tiêu quá tay. Ảnh hưởng dẫn đến là bạn sẽ bỏ qua việc tiết kiệm, hoặc duy trì quỹ dự phòng cho tình huống khẩn cấp trong năm mới (ví dụ: dịch bệnh, tai nạn, thất nghiệp…). Đó là lý do tôi cho rằng tâm lý “tất tay” dịp năm mới không thực sự phù hợp với những ai chưa có sự chuẩn bị, thực hiện quản lý tài chính.

Phân chia các khoản chi

Vậy làm thế nào để phân chia phù hợp cho các khoản mua sắm, tiệc tùng cuối năm để tránh cảnh túng thiếu đầu năm mới?

Theo tôi, nếu chưa có kế hoạch tài chính nghiêm túc trước đó, bạn chỉ nên tập trung giải quyết các chi tiêu cần. Đây là cách để cá nhân hạn chế những trường hợp ngoài ý muốn.

Đồng thời, bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến việc lập kế hoạch tài chính cho năm 2023. Nhờ đó, tiêu xài tùy thích, tự thưởng cho bản thân sau 12 tháng tới là chuyện dễ dàng.

Tâm lý “tất tay trước, trả nợ sau” là nguyên nhân gây túng thiếu. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Dưới đây là gợi ý của tôi cho việc phân chia chi tiêu trong tương lai:

Mỗi khi nhận lương, bạn nên chuyển ngay 20%, hoặc ít nhất 10%, vào tài khoản tiết kiệm độc lập. Mọi quyết định tiêu pha gói ghém trong tài khoản có 80% còn lại. Trong đó, hãy dành 50% cho chi tiêu cần, phần còn lại cho các chi tiêu muốn. Lưu ý, cá nhân cần cố gắng gia giảm phần tiền phục vụ giải trí, sở thích hết mức có thể.

Nếu đều đặn dành dụm mỗi tháng, đến cuối năm, bạn được phép chi tiêu tùy ý 2% tổng số tiền mình sở hữu. Khoản này sẽ lớn hơn nếu cá nhân cố gắng tăng trưởng phần tích lũy. Đầu tư sinh lời ở các kênh tương đối ổn định như trái phiếu, quỹ đại chúng, bất động sản là những lựa chọn đáng cân nhắc.

Lời khuyên sắm Tết

Ngoài ra, tôi cũng có 3 điều muốn nhắn nhủ giới trẻ trước khi bước vào mùa sắm Tết:

Không để nợ

Đây là điều tôi nhắc đi nhắc lại mỗi khi bàn về chi tiêu. Nhiều cá nhân sẵn sàng mượn tiền, hoặc mua trả góp để thỏa mãn nhu cầu sắm sửa. Họ tự tin khi cho rằng vẫn còn 12 tháng dài để xoay xở với những khoản nợ này.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tồn tại nhiều bất trắc khó lường, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh kéo dài. Bị hạn chế cơ hội kiếm tiền, bạn sẽ rơi vào bế tắc với phần tiền chưa chi trả. Thay vào đó, hãy tập đo lường khả năng chi tiêu cá nhân. Nhờ vậy, bạn không phải loay hoay với quá trình trả nợ trong thời gian dài.

Theo chuyên gia, lập kế hoạch sắm sửa Tết sớm sẽ giúp tiết kiệm một khoản tiền lớn. Ảnh: Sam Lion/Pexels.

Thiết lập ngân sách cụ thể

Như đã nói, bạn cần xây dựng khoản ngân sách rõ ràng trước khi tiến hành sắm sửa. Bên cạnh đó, duy trì kỷ luật khi sử dụng tiền cũng là nhiệm vụ quan trọng. Bằng không, tâm lý tiêu tiền vô độ sẽ gây ra nhiều phiền phức, dễ đánh mất niềm vui mùa Tết của bất kỳ ai.

Lên kế hoạch chi tiêu sớm

Tôi nghĩ đây là việc khá đơn giản, song lại ít được lưu tâm. Khi liệt kê những món cần chuẩn bị, bạn dễ dàng sắp xếp thời gian lựa chọn hàng trước, sắm sửa, hạn chế cảnh chật vật, chen chúc. Ngoài ra, bạn cũng có thể săn deal nhằm tiết kiệm hoặc mua thêm vài thứ theo sở thích.

Quan trọng nhất, lập kế hoạch sớm cho phép cá nhân được cân nhắc, so sánh thay vì phải bấm bụng chi tiền vì không còn lựa chọn tốt hơn. Nhờ đó, những ngày cuối năm, đầu Tết của bạn sẽ trôi qua nhẹ nhàng, trọn vẹn.

Hồng Hà
Illustrator: Hina
– Nguồn: ZingNews