Những giai đoạn tài chính “bất lợi” của phụ nữ 

Dù muốn hay không, chúng ta không thể phủ nhận phái nữ vẫn có những khoảng trống “bất lợi” so với nam giới về một vài khía cạnh. Chỉ riêng về vấn đề tài chính, chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt về mức độ ưu tiên, nhu cầu, tâm lý giới,…

Bạn có lẽ sẽ rất bất ngờ với những giai đoạn “bất lợi” ấy, bởi lẽ chúng rất quen thuộc và có hàng triệu phụ nữ đang phải đối mặt. Đồng thời, với các chị em mong muốn độc lập tài chính có thể chậm một nhịp, cùng nhìn nhận và chuẩn bị đương đầu với chúng trong tương lai.

Hậu nghỉ thai sản và sinh con

Thời điểm sau nghỉ dưỡng thai sản và chăm con là thời gian người mẹ quay trở lại guồng quay công việc. Không ít phụ nữ bất lợi trong chuyện thăng tiến trong sự nghiệp cũng như quan hệ ở ngoài xã hội do một thời gian khá dài vắng bóng. Mọi thứ cứ lướt đi và không chờ đợi ai, vị trí của họ tại công ty có thể bị thay thế bất cứ lúc nào hoặc họ có thể bị chuyển công tác, phòng ban mới. Điều này đã làm gián tiếp ảnh hưởng đến vấn đề chức vụ, mức thu nhập và cơ hội trở thành lãnh đạo của các chị em.

Cùng với đó, nhiều chị em còn phải mang áp lực “giỏi việc nước – đảm việc nhà” khi vừa làm việc, vừa chăm con và lo toan cho cả gia đình. Họ sẽ luôn tất tả với cả mớ việc không tên tại nhà rồi lại tiếp tục “chiến đấu” tại chỗ làm, điều này nếu kéo dài, sức khỏe của chị em ít nhiều cũng bị “vắt kiệt” đồng thời họ cũng sẽ có những mối lo về tài chính cho con cái nhiều hơn.

Nhiều lo lắng hơn, nhiều thứ phải chi tiêu hơn và cũng nhiều áp lực kinh tế hơn, vậy mức lương của họ có đáp ứng đủ? Tất nhiên, điều này tùy thuộc vào từng lĩnh vực, nghề nghiệp, vị trí mà họ đang theo đuổi, thế nhưng các thống kê về mức lương của phụ nữ so với nam giới vẫn đang là “báo động đỏ”. Mức lương phụ nữ trên toàn cầu vẫn còn thấp hơn nam giới khoảng 20% theo thống kê của ElleVest – nền tảng đầu tư dành cho phụ nữ.

Ngoài ra, theo tóm tắt nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế về “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam” vào năm 2021 cho biết: 

Xét trung bình, chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới. Lao động nữ chiếm đa số trong các công việc dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Họ có mức thu nhập thấp hơn nam giới, bất luận số giờ làm giữa hai giới là tương đương và dần xóa bỏ chênh lệch giới về trình độ học vấn. Họ cũng không đảm nhiệm nhiều vị trí ra quyết định so với nam giới. Mặc dù rất tích cực tham gia hoạt động kinh tế, nhưng phụ nữ đồng thời cũng phải gánh vác trách nhiệm gia đình một cách không tương xứng.”

Một điều ít người biết, đó là khi phụ nữ muốn đi đầu tư sẽ gặp rào cản khi các quỹ và công ty chứng khoán sẽ hướng đến các nhà đầu tư “sộp”, chịu chi và lương ổn định. Thế nhưng, tâm lý và cách thức đầu tư mà các chị em quan tâm hoàn toàn khác so với nam giới, họ vẫn luôn cẩn thận và dè chừng bởi muốn chắc thắng và kỹ lưỡng chứ không phải “lướt sóng” mạo hiểm. Hơn hết, các mẹ bỉm sữa cũng sẽ ít tiếp cận và tìm hiểu trực tiếp hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể về thị trường đầu tư đầy biến động. Hiện tại vẫn chưa có một danh mục đầu tư nào ở Việt Nam có thể giúp phụ nữ tiếp tục đầu tư trong các khoảng nghỉ (holiday break) vì phần góp vốn không thường xuyên khi nghỉ ở nhà.

Tiếng nói chưa đủ lớn

Ở phần trên, bạn có thể thấy được một phần của sự “chênh lệch” về vấn đề thu nhập của phụ nữ toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Hệ quả mặt bằng chung đó là tài chính cá nhân sẽ thiệt thòi hơn vì tiền tiết kiệm ít hơn quỹ hưu trí thấp hoặc thậm chí không có dẫn đến việc phải kéo dài thời gian lao động. 

Cùng với đó, họ cũng ít được đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo ra quyết định so với nam giới trong các lĩnh vực “triệu đô” như công nghệ, tài chính – đầu tư, bất động sản, năng lượng, sản xuất công nghiệp,… Đồng nghĩa với điều này, tiếng nói của họ sẽ ít có cơ hội quyết định cho việc phát triển và đóng góp vì cộng đồng xã hội nếu không ngồi trên bàn lãnh đạo cùng phái nam, gián tiếp ảnh hưởng các hoạt động chung của cả nền kinh tế vì mất cân bằng.

Riêng với ngành nghề đầu tư, chị Mina Chung – Đại sứ Money With Mina, nền tảng cộng đồng phụ nữ để truyền cảm hứng và an tâm tài chính đến cho 50 triệu phụ nữ tại Việt Nam cho biết phụ nữ có thể “cân cả thế giới” cùng bên khác giới: “Phụ nữ rất phù hợp đầu tư bởi họ rất kiên trì và cẩn trọng. Nếu thị trường chỉ toàn nữ tôi cũng không hình dung được sẽ thế nào nhưng mà bản thân là một người phụ nữ, tôi thấy rằng phụ nữ cũng biết quản lý tiền và đầu tư giỏi như ai nếu họ có cơ hội và chịu học.” 

Mỗi người phụ nữ đều là super woman (siêu nhân) khi họ không ngừng nỗ lực chăm lo cho chồng con lẫn quyết tâm thăng tiến trong sự nghiệp hay cố gắng trong việc bồi đắp tài chính. Chính vì thế, cần lắm những tổ chức, cộng đồng có thể thấu hiểu và nâng đỡ phụ nữ cùng phát triển, cho họ một sự an toàn và động viên từng nỗ lực của họ. Trong cuốn “Thời điểm cất cánh” (The Moment of Lift), tác giả Melinda Gates đã viết “Khi người phụ nữ được nâng tầm, cô ấy sẽ nâng đỡ tất cả mọi người xung quanh mình.”

10 năm sống một mình, ai lo tài chính?

Bạn không nghe nhầm đâu, phụ nữ có khoảng 10 năm lo tài chính dài hơn đấy! 

Đối với nam giới, theo quy định từ năm 2021, trong điều kiện bình thường, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 3 tháng, của nữ là 55 tuổi 4 tháng (Ít hơn 5 tuổi rồi nhé!)

Tiếp đến theo kết quả từ các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn so với đàn ông khoảng 5 tuổi (nữ là 76,4 tuổi và nam là 71,0 tuổi). Đây cũng là lý do cho câu nói “Các cụ ông sẽ thường đi sớm hơn các cụ bà”.

Trong suốt 10 năm đó, khi tuổi thọ tăng cao kéo theo các vấn đề liên quan đến chi phí sức khỏe thì không ai chắc chắn mình vẫn đủ sức để làm việc tiếp tục lo cho cuộc sống nghỉ hưu. Số năm làm việc của phái nữ sẽ ít hơn số năm làm việc của phái nam chính vì vậy bạn cần chuẩn bị cho một kế hoạch tài chính dài hơi và kỹ càng hơn. 

Như đã chia sẻ, phần tài chính và thu nhập mặt bằng chung của nữ giới sẽ có phần thiệt thòi hơn, nếu bạn càng không biết chuẩn bị hành trình tài chính an toàn cho bản thân thì chẳng phải sẽ thêm lo lắng? Vì vậy, việc xây đắp tài chính thật vững chắc sẽ giúp bạn an tâm và vượt qua nỗi buồn “một mình”. 

Bạn nên cân nhắc bắt đầu hành trình quản lý tài chính từ những bước cơ bản nhất trong 05 bước Vòng xoay dòng tiền (Thu nhập – Tiết kiệm – Chi tiêu – Đầu tư – Bảo toàn vốn) và sớm ngay từ khi có đồng lương đầu đời, tạo lập thói quen kỷ luật với bản thân. Đây quả thực không phải chuyện “một sớm một chiều” mà cần sự kiên trì, quyết tâm và cái nhìn hướng đến mục tiêu mong muốn.

Một điều rất nhiều người lầm tưởng đó là khi có đủ tiền mình cần và muốn, họ sẽ thôi không phải lo nghĩ đến cơm áo gạo tiền. Đừng quên, quản lý tài chính là kỹ năng bạn cần thực hành suốt đời, dù đã đủ đầy hay đang còn thực hiện mục tiêu đến đích tự do tài chính.

Khi được hỏi câu hỏi “Ai lo tài chính?” sẽ có không ít ý kiến nghĩ đến con cái hay tiền lương hưu của chính phủ sau nhiều năm lao động, thế nhưng chỉ bạn mới có thể nắm chắc trong tay tương lai của mình mà thôi. 

Tổng kết:

Dù có những giai đoạn “bất lợi” về tài chính so với nam giới, thế nhưng vẫn có những phụ nữ rất mạnh mẽ, không ngại vượt khó và truyền cảm hứng đến cộng đồng cùng nâng đỡ và phát triển lẫn nhau.

Thấu hiểu được những khó khăn và ưu tiên khác biệt của phái nữ, Money with Mina cho ra mắt chuỗi sự kiện bí mật dành riêng cho các Nàng LiftHER – một dự án “By women for women”. Tại nơi đây, chúng tôi chào đón các chị em đến với vòng tròn an toàn, lắng nghe và đồng hành về các vấn đề rất “riêng” như thách thức và nỗi lo về tài chính, phát triển bản thân và sự nghiệp, các mối quan hệ xung quanh,…

Theo dõi ngay tại fanpage Money with Mina để cập nhật những thông tin mới nhất về LiftHER nhé!