Quỹ dự phòng – Chìa khóa làm chủ cuộc sống

Trong tập Money Diary 2, tôi đã có nhắc đến Quỹ dự phòng khi lập kế hoạch chính.

Như vậy, Quỹ dự phòng là gì và liệu rằng nó có trùng lẫn với các khoản tiết kiệm khác hay không?

Quỹ dự phòng (hay còn gọi là Quỹ khẩn cấp) được xem là một khoản tiết kiệm chỉ dành riêng cho những lúc nguy khó. Do vậy, Quỹ dự phòng hoàn toàn khác với những khoản tiết kiệm khác như mua nhà, tiền học, quỹ hưu trí… Chúng ta “Hope for the best, but plan for the worst” (Hi vọng cho điều tốt nhất, và dự phòng những điều tồi tệ) là lý do vì sao mỗi chúng ta đều cần có một quỹ dự phòng của riêng mình.

Theo tôi, ở mức độ tối thiểu để cảm thấy an tâm:

Quỹ dự phòng = Số tiền chi tiêu trong 03 tháng

(tối thiểu để cảm thấy an tâm)

Và nếu như có thể, ở mức tiêu chuẩn sẽ là:

Quỹ dự phòng = 06 tháng tiền lương

(Tiêu chuẩn để bạn có một quỹ dự phòng tối ưu cho những trường hợp bất trắc)

Vì sao có mức giới hạn như vậy? Quỹ dự phòng sẽ là khoản tiền bạn sử dụng cho những tình huống bất khả kháng như đau ốm, mất việc, mất nguồn thu nhập, sửa xe, gặp phải những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống như dịch bệnh, thiên tai… Do đó dựa trên con số bạn cần phải chi tiêu trong một khoảng thời gian từ 3-6 tháng, hoặc 12 tháng.

Các lợi ích của Quỹ dự phòng để bạn “gấp rút” chuẩn bị:- Giúp bạn cảm thấy an tâm (vì bạn đã chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất)- Đảm bảo được sức khoẻ tài chính- Tránh trở thành nạn nhân của vay nóng hay tín dụng đen- Tránh tình trạng phát sinh vay mượn từ bạn bè, người thân

Vậy, nên “cất” quỹ dự phòng ở đâu?

Nguyên tắc của Quỹ Dự Phòng Khẩn Cấp là tính thanh khoản cao, có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, để tối ưu lợi ích từ khoản dự phòng bạn có thể áp dụng Quy tắc tiết kiệm bậc thang như sau:

Mở số tiết kiệm theo con số chi tiêu/tháng lương của từng tháng, tương ứng với 3 tháng sinh hoạt bạn sẽ có 3 sổ tiết kiệm. Ví dụ, bạn cần 10 triệu để sinh hoạt trong vòng 1 tháng. Quỹ dự phòng tối thiểu của bạn sẽ là 30 triệu (3 tháng).

Bạn sẽ có 3 sổ tiết kiệm như sau:

  • Sổ 1: 10 triệu, thời hạn tất toán tiết kiệm trong 01 tháng
  • Sổ 2: 10 triệu, thời hạn tất toán tiết kiệm trong 02 tháng
  • Sổ 3: 10 triệu, thời hạn tất toán tiết kiệm trong 03 tháng

(*) Lưu ý: Theo từng nền tảng bạn sử dụng, quy định về khoảng thời hạn tất toán sẽ có thay đổi. Quy tắc này sẽ giúp bạn sử dụng các khoản tiền khẩn cấp mà không phải tất toán một khoản tiền lớn không cần thiết (nếu như bạn gửi tất cả số tiền vào 1 sổ duy nhất).

– Money With Mina team