Nhà đầu tư chứng khoán trực tiếp hay thông qua quỹ mở?

Về cơ bản, có hai hướng mà người mới tập tành đầu tư có thể nghĩ đến khi muốn bỏ tiền vào thị trường chứng khoán. Thứ nhất là đầu tư trực tiếp, nghĩa là bạn tự mua cổ phiếu, trái phiếu hay ETF.

Thứ hai là đầu tư gián tiếp (thụ động) – nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ như một cách ủy thác cho chuyên gia. Công ty quản lý quỹ sẽ giúp khoản tiền của bạn sinh lời, hoặc phân phối qua các kênh như bảo hiểm, Fintech, ngân hàng,…

Mỗi cách thức đặc điểm khác nhau; và bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm cả hai để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Nếu chưa biết bắt đầu như thế nào, sau đây là một số yếu tố bạn có thể cân nhắc.

Quan tâm gì khi đầu tư trực tiếp và gián tiếp?

Việc cân đo đong đếm thời gian, kiến thức, tài chính, mức độ rủi ro cùng nhu cầu khi đầu tư sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn hơn. Cụ thể:

Cần nhiều thời gian và kiến thức để đầu tư trực tiếp

Vì việc tự đầu tư đồng nghĩa bạn tự nghiên cứu và chịu trách nhiệm cho mọi giao dịch, chắc chắn bạn cần dành khá nhiều thời gian học hỏi trước và sau khi bước chân vào thị trường chứng khoán.

Ít nhất là để chọn được cổ phiếu tốt và biết thời điểm mua vào/bán ra, bạn nên nắm rõ các loại báo cáo tài chính, đồng thời theo dõi sát sao tình hình biến chuyển của thị trường, hoạt động kinh doanh của công ty phát hành chứng khoán.

Người bận rộn, không có thời gian quản lý cả danh mục từng ngày, từng giờ có thể cần sự hỗ trợ từ một bên khác. F0 hoàn toàn thiếu kiến thức tài chính cũng vậy.

Một số sản phẩm thuộc ngành nghề mới cũng tương đối khó tiếp cận với nhà đầu tư đứng riêng lẻ. Trong những trường hợp đó, việc chuyển tiền vào quỹ phần nào mang lại hiệu quả cao hơn.

Đầu tư quỹ nếu số vốn bỏ ra ít

Với quỹ đầu tư, bạn được phép mua chứng chỉ quỹ và sở hữu một phần danh mục bất kỳ có sẵn hàng chục cổ phiếu, trái phiếu; trong khi nếu mua trực tiếp cùng số lượng, bạn có thể phải mua từng lô và không đủ vốn.

Thông thường, số vốn để bắt đầu đầu tư quỹ khá ít, khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Tuy vậy, điều này không có nghĩa bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với đầu tư chủ động.

Để các chuyên gia của quỹ thay bạn tính toán, tất nhiên bạn phải trả cho họ cho một vài chi phí nhất định.

Các khoản phí đó là yếu tố nên được tham khảo kỹ lưỡng, bởi chúng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ suất sinh lời bạn mong muốn.

So sánh mức độ rủi ro ở mỗi bên

Rủi ro luôn hiện hữu khi đầu tư, dù công ty hay một ngành cụ thể đang phát triển như thế nào.

Do đó, việc “không để hết trứng vào một rổ” hay đa dạng hóa danh mục (diversification) là cần thiết để giảm thiểu rủi ro.

Không ít người tự đầu tư có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận lớn nhờ một vài cổ phiếu biến động mạnh. Trong khi đó, hầu hết quỹ uy tín phân bổ tiền đa dạng. Khi thị trường trái chiều, tài sản lên giá và mất giá có thể bù trừ cho nhau, từ đó cả danh mục ít bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tâm lý đóng vai trò quan trọng không kém trong việc chọn kênh. Với người tâm lý vốn không vững vàng, dễ đưa quyết định thiếu sáng suốt khi bảng điện thay đổi, việc để chuyên gia đầu ngành quản lý có thể giúp họ yên lòng hơn.

Một số lưu ý khác

Nhìn chung, chúng ta có thể tóm tắt như sau:

Đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu

Ưu điểm:

  • Có tính thanh khoản cao
  • Nhà đầu tư hoàn toàn chủ động với công ty mình chọn

Nhược điểm:

  • Có thể cần vốn lớn để tạo danh mục
  • Mức độ rủi ro cao khi thị trường biến động
  • Nhà đầu tư phải dành thời gian tìm hiểu, phân tích và hạn chế cảm tính
  • Tốn phí giao dịch và một số loại phí khác

Đầu tư vào quỹ

Ưu điểm:

  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư
  • Có sự hỗ trợ của chuyên gia quản lý quỹ
  • Người đầu tư không mất nhiều thời gian theo dõi
  • Phù hợp với việc đầu tư dài hạn

Nhược điểm:

  • Nhiều thông tin phức tạp
  • Thanh khoản kém tuỳ theo chiến thuật đầu tư. Thâu gom qua nhiều tháng để lấy bình quân giá là một ví dụ
  • Tốn phí quản lý và vài loại phí khác

Một điều bạn nên nhớ là đầu tư thụ động không đi đôi với việc “giao khoán” khoản đầu tư cho các quỹ. Thực tế, bạn cũng phải biết chọn danh mục phù hợp với mình tùy độ tuổi, số vốn, chiến lược dài hay ngắn hạn,… và hiểu cơ bản kế hoạch đầu tư hàng năm của chuyên gia.

Bạn có thể chọn đầu tư theo một cách hoặc thử cả hai tùy thích. Điều quan trọng là chúng giúp bạn tăng trưởng khoản đầu tư theo đúng mục tiêu tài chính trong tương lai.

*Các nội dung trong bài không phải khuyến nghị đầu tư.


Thiên Hân

Đồ họa: Anny Nhi