Trên xu thế hội nhập và phát triển, ngày càng có nhiều thay đổi về cấu trúc gia đình và nhận về nhiều những ý kiến “trái – phải”. Nhiều người đã mạnh dạn lựa chọn lối sống mà mình mong muốn, vượt lên mọi định kiến và tận hưởng niềm hạnh phúc riêng mình.
Có thể kể đến như việc muốn độc thân suốt đời, làm cha/mẹ đơn thân, kết hôn muộn ngoài 40 tuổi, DINK,… Trong số đó, lối sống DINK (Dual Income, No Kids) được cho là sự lựa chọn hoàn hảo đối với cặp đôi muốn xây dựng tài chính giàu mạnh và hưởng thụ cuộc sống. Tất nhiên, họ cũng phải chấp nhận khá nhiều “gạch đá” của dư luận xã hội.
Hãy cùng Money with Mina khám phá xem lối sống này có điều gì thú vị về cơ hội lẫn rào cản và “bổ ngang – bổ dọc” về mặt tâm lý – xã hội mà DINK sẽ gặp phải nhé!
DINK – là gì vậy?
Đây là một thuật ngữ xuất hiện những năm 1980s, thường để chỉ những cặp đôi lựa chọn việc không sinh con, chủ động làm việc nhiều hơn để gia tăng nguồn thu nhập lẫn nhau. DINK là từ viết tắt của Double Income, No Kids – nghĩa là nhân đôi thu nhập, không con cái.
Xu hướng DINK trở nên rõ nét hơn sau cuộc Đại suy thoái Toàn cầu 2009, buộc phải “thắt lưng buộc bụng” và hiện nay khi đời sống kinh tế có những bước chuyển biến “chậm chạp” cùng sự tôn vinh cá nhân được hưởng ứng mạnh mẽ, giới trẻ ngày càng có thêm những lý do để theo đuổi DINK.
Tại các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, DINK còn khá mới mẻ và các cặp đôi DINK sẽ phải chịu những thách thức về mặt tâm lý – xã hội rất lớn khi quyết định “tiến bước”.
Trái ngược với DINK, là DEWK – viết tắt của cụm từ “Dually Employed, With Kids” – ý chỉ đồng vợ đồng chồng cùng đi làm và kiếm tiền nuôi con. Có 2 biến thể của DEWK là gia đình bánh kẹp (vợ chồng vừa chăm con, vừa phụng dưỡng cha mẹ lớn tuổi) và Con cái Boomerang (con cái sau khi đi lập nghiệp một thời gian, quay trở về sống và phụ thuộc cha mẹ, nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp hơn).
Vì sao họ chọn DINK?
Các cặp đôi quyết định “góp gạo thổi cơm chung” cho biết lối sống này giúp họ phát triển tối ưu về mặt tài chính và thoải mái tinh thần khi không phải vướng bận con cái. Thế nhưng, đó không phải là lý do duy nhất bởi vẫn còn những ước muốn khác:
- Họ không có mong muốn có con
- Họ muốn tập trung phát triển và chăm sóc bản thân
- Họ muốn một cuộc sống tự do và độc lập.
Các lựa chọn trên hoàn toàn có thể độc lập với nhau nhưng ngay cả nếu vì lý do độc lập tài chính sớm hoặc tự do trong cuộc sống của cặp đôi thì đó là sự lựa chọn của họ, và tất nhiên nó không có nghĩa là duy nhất. Bởi lẽ, có những cặp đôi không đủ khả năng tài chính để sinh con, sức khỏe người mẹ không cho phép, công việc buộc phải di chuyển và thay đổi nơi ở thường xuyên, không tiện cho việc chăm sóc con,…
Gia tăng thu nhập
Quả thực, DINK giúp tối ưu hóa tài chính vì cả hai người cùng đi làm, cùng tạo ra nguồn thu nhập. Họ cùng chia sẻ tiền nhà, chi phí sinh hoạt cho nhẹ bớt “gánh nặng” của một người, từ đây họ có thể dành nhiều thời gian và tiền bạc cho việc hưởng thụ giải trí, chăm lo sức khỏe tốt hơn, đầu tư cho giáo dục cao hơn, du lịch nhiều hơn,…
Đồng thời, khi không phải lo lắng cho các con, họ có thể dùng số tiền đó tiết kiệm dồi dào hơn hoặc đầu tư với mục tiêu dài hạn, đảm bảo vấn đề tài chính trong tương lai.
Việc mang thai, sinh nở và nuôi dạy một đứa trẻ cần rất nhiều tiền bạc, thời gian và trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Đây cũng chính là một áp lực hữu hình đối với các cặp đôi trẻ, đang sinh sống tại các thành phố lớn và phải chịu chi phí đắt đỏ, thậm chí họ còn chưa có nhà mà phải ở nhà thuê. Chưa kể, phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho con cái chưa bao giờ là điều “dễ thở”.
Sự thoải mái không lo lắng chuyện con cái
Bên cạnh việc giảm đi áp lực tài chính khi nuôi con, đời sống tinh thần của các cặp đôi DINK cũng rất phong phú và tự do hơn.
Rất nhiều các cô gái trẻ hiện nay cảm thấy “sợ hãi” khi lắng nghe những chia sẻ chân thật của các chị mẹ bỉm sữa về việc trầm cảm sau sinh, nuôi dạy con, làm nội trợ, phải nghỉ việc chăm con, chồng không đồng cảm, cha mẹ chồng khó tính… Họ cũng không dám tưởng tượng khung cảnh tất bật dậy sớm lo bữa sáng, vội vàng đưa con đến trường và tranh thủ đón con sau giờ tan học. Họ sợ việc chỉ lui cui trong bếp, mải mê lắng lo cho chồng con mà quên việc chăm sóc cho bản thân.
Tất nhiên, những điều trên không phải xảy ra cho tất cả cô gái hay chàng trai. Nó chỉ nhấn mạnh về những áp lực, trách nhiệm mà bạn có thể sẽ phải gặp khi nuôi dạy con, chưa kể là sự lắng nghe và thấu hiểu của người bạn đời như thế nào?
Sự thật là không con cái, bạn sẽ thoải mái hơn rất nhiều về mặt thời gian và giảm đi những căng thẳng “vô hình”. Bạn có thể dành nhiều thời gian cho sự nghiệp, đi du học, đăng ký học thạc sĩ, sẵn sàng nhận một cuộc hẹn “tám” với hội bạn thân, đi chơi du lịch nhiều ngày với chồng,… Bạn sẽ bớt đi việc “chia năm xẻ bảy” khung thời gian để chăm lo cho từng “miếng ăn giấc ngủ” của em bé.
Nguy cơ – Trong “cơ” có “nguy”
Bạn sẽ phải đối diện với điều gì khi theo đuổi lối sống DINK?
“Tổng tấn công” của định kiến xã hội
Với một xã hội Á Đông, nơi chịu nặng nề ảnh hưởng của nền văn hóa Nho học, những định kiến xã hội là những “nhát dao” tinh thần vô cùng tiêu cực và đáng sợ. Đáng buồn hơn, điều này có thể đến từ nhị vị phụ huynh của chúng ta, họ sẽ cho rằng con cái mình quá ích kỷ, không muốn cho họ niềm vui ẵm bồng cháu chắt tuổi già và chỉ yêu thích việc hưởng thụ.
Nhiều phụ huynh đã “trừng phạt” con cái mình bằng cách lạnh nhạt, thờ ơ, không quan tâm và liên hệ, thậm chí cắt giảm “viện trợ” kinh tế nếu bạn đang phụ thuộc các cụ. Từ nhà ra phố, nhiều cặp đôi sẽ phải hứng chịu những công kích từ phía dư luận xã hội và những cảm xúc khó nói không thể tránh khỏi.
Các cặp đôi đứng trước một câu hỏi quen thuộc nhưng không dễ trả lời: lựa chọn này liệu có xứng đáng hay không. Có lẽ chỉ những đôi DINK sau khi nếm trải “cay đắng ngọt bùi” mới có thể đưa ra ý kiến được.
Tìm kiếm tiếng nói chung từ cộng đồng
Trái ngang hơn, đó chính là tìm được cùng ưng thuận và chung chí hướng ở cộng đồng. Mong muốn sống DINK đôi khi không phải lúc nào cũng xuất phát từ đôi bên, không ít người đã phải “đau đớn” từ bỏ đối phương vì không tìm được tiếng nói chung.
Sự thống nhất chung của đôi bên là điều kiện chắc chắn cần. Nếu mong muốn này chỉ đến từ một phía, không chắc chắn sẵn sàng tiếp nhận thay đổi thì các bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ rạn nứt mối quan hệ
Tiếng nói chung từ cộng đồng rất cần thiết cho việc theo đuổi DINK dài lâu. Việc mạnh dạn “sống thật”, không giấu diếm là điều vô cùng khó thuở ban đầu. Thế nhưng, đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình đâu phải điều gì sai trái, đúng không nào? Hãy cư xử thật văn minh, tử tế và thể hiện quan điểm bản thân thật đúng mực, chắc chắn bạn sẽ nhận được những tiếng nói chung, ủng hộ và cảm thông.
Thậm chí khi đạt được sự đồng thuận, mỗi người vẫn sẽ đi theo những trường phái khác của DINKs. Trong một số trường hợp, DINK là việc trì hoãn có em bé cho đến khi sẵn sàng, số khác lại muốn đây là việc vĩnh viễn.
Ngay cả khi có sự đồng thuận, các đôi có thể vẫn giữ những niềm tin khác nhau về DINKs. Với một số người, DINKs đơn thuần là trì hoãn việc sinh con cho đến khi sẵn sàng (DINKY – dual/double income, no kids yet), trong khi những người khác cho rằng đây là một lựa chọn vĩnh viễn (DINKER – dual/double income, no kids, early retirement).
Tuy nhiên, việc cả hai không hoàn toàn tìm được tiếng nói trong chung việc lựa chọn lối sống và quan điểm sống đều ẩn chứa rủi ro về mối quan hệ và nguy cơ mâu thuẫn sau này.
Tương lai sẽ ra sao?
Ở đây, câu hỏi này dành cho những thay đổi khi về già của các cặp đôi DINK. Không ít người khi trẻ rất hạnh phúc với cuộc sống không con cái nhưng khi về già lại cảm thấy hối hận. Họ cảm thấy cô đơn, một mình nhất là khi người bạn đời chẳng may qua đời sớm hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những cặp đôi không con cái vẫn luôn cảm thấy ổn và hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình. Họ kết những “câu lạc bộ” bạn bè, chủ động tìm những niềm vui cho bản thân thay vì chỉ dựa dẫm vào việc ngồi chờ con cái hoặc niềm vui đến gõ cửa.
Thách thức của mỗi cặp đôi là họ hoàn toàn không biết được mình sẽ như thế nào nếu giữ nguyên vẹn hoặc thay đổi quyết định. Nhưng bạn có thể chuẩn bị, nhất là về khía cạnh tài chính và sức khỏe. Nếu bạn muốn nhận con nuôi hoặc sinh con nhờ phương pháp can thiệp y học (khi đã lớn tuổi) đều ổn cả, nếu bạn muốn và cảm thấy đây là thời điểm tuyệt vời.
Song song sự kiên định trong lựa chọn DINKs cho cuộc hôn nhân, cả hai cũng nên liên tục tái kiểm nghiệm lựa chọn của bản thân và sẵn sàng thay đổi nếu cần thiết. Hãy nhớ mọi quyết định là ở bạn và lắng nghe ý kiến của đối phương nhé!
Tổng kết
DINK là quyết định của hiện tại nhưng còn rất nhiều yếu tố khác sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm sống của các cặp đôi như tuổi tác, sự nghiệp, các mốc phát triển trong hôn nhân,… Đây là một quyết định quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác mà hai bạn lựa chọn, hãy ý thức rõ “Mình muốn những gì? Cho mục đích gì?” của mình và đối tác khi tiến tới.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể tận hưởng hạnh phúc hôn nhân một cách bền vững là cần sự vun đắp, cố gắng vì nhau của cả hai. Chúc các bạn hạnh phúc!
#antamtaichinh #moneywithmina #minachung #tietkiem #trainghiem