Khó khăn tài chính cũng gây chấn thương tâm lý

Trong khảo sát của ngân hàng di động N26 tại Mỹ, 35% người trưởng thành ở nước này xem tiền bạc là nguyên nhân gây stress lớn nhất, sau đó mới tới gia đình, tình cảm.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết, điều này dễ dàng xảy ra khi đồng tiền đang chi phối hầu hết vấn đề trong đời sống.

Trước hết, mỗi cá nhân đều cần sử dụng tiền để phục vụ cho các hoạt động thường ngày, chẳng hạn ăn uống, sắm sửa, giải trí, khám – chữa bệnh… Sở hữu hầu bao rủng rỉnh, bạn sẽ thoải mái hơn khi chăm lo cho bản thân và gia đình.

Ngược lại, với nguồn chi tiêu hạn chế, chúng ta thường chật vật để xoay xở, cũng khó đảm bảo chất lượng đời sống.

Ngoài ra, việc kiếm tiền cũng phần nào thể hiện năng lực, trí tuệ và mức độ chăm chỉ của cá nhân. Ở một góc độ nào đó, nếu có thu nhập cao, bạn dễ nhận nhiều đánh giá tốt hơn so với những người khác.

“Dù bị ám ảnh bởi chuyện tiền nong, không phải ai cũng dám thừa nhận tâm lý lo âu này. Đó là lý do khiến cơn áp lực tài chính luôn trở đi trở lại, dễ đưa cá nhân vào nhiều tình huống khó khăn”, bà Tuyết khẳng định.

Ai cũng có thể stress vì tiền

Thực tế, cơ chế hoạt động của cơn stress vì tiền cũng tương tự các dạng căng thẳng thần kinh khác. Nó thường gây ra cảm giác khó chịu, lo âu, bức bối.

Từ đó, con người dễ cáu gắt, kích động, hay phàn nàn, hoặc phải chịu đựng cơn đau thể chất (đau đầu, căng cơ, choáng váng) mỗi khi nhắc về vấn đề tiêu dùng của chính mình hay người thân.

Xét về góc độ tâm lý, áp lực nêu trên sẽ gây ra bởi các hành vi chi tiêu như:

Vung tay quá trán

Tiêu xài vô độ hay mất khả năng kiểm soát chi tiêu là những kiểu phản ứng phổ biến khác khi trải qua chấn thương tâm lý về tài chính.

Nếu tiêu tiền mỗi khi gặp chuyện căng thẳng, rất có thể bạn đang tìm cách xoa dịu nỗi đau tinh thần, song không thực sự nắm rõ nguồn cơn vấn đề.

Về lâu dài, hành động mang tính bộc phát này khiến bạn rơi vào vòng lặp “bỏ tiền mua niềm vui”, song lại không có kết quả như mong muốn. Ngược lại, tình trạng rỗng ví sẽ gây stress nặng hơn, hoặc dẫn đến sang chấn tâm lý.

Mua sắm quá độ là dấu hiệu dễ nhận biết của người stress vì tài chính. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Dè sẻn quá mức

Không dám tiêu tiền, một số người chọn cách cắt giảm ngân sách tối đa nhằm tiết kiệm kiểu “được đồng nào hay đồng đó”. Tuy nhiên, khi nhận ra khoản tiền tích cóp được quá hạn chế, họ càng trở nên u uất hơn.

Từ đây, cá nhân cũng dễ dàng sinh ra tâm lý ức chế, muốn xài tiền một cách phóng túng nhằm tìm lại khả năng kiểm soát đồng tiền. Đáng tiếc, lối tư duy và hành động này chỉ khiến tình hình tài chính và tâm lý của họ tệ đi nhanh chóng hơn.

Sa vào hoạt động kiếm tiền phi pháp

Khi mức độ stress đạt mức cao, nhiều người chuyển sang cầu may bằng cách vay tín dụng đen, đánh bạc hoặc cá cược. Lúc này, họ đã mất niềm tin vào bản thân, không còn động lực cứu vãn tình hình tài chính của mình.

Còn xét ở góc độ tài chính cá nhân, áp lực tiền bạc có thể đến từ đa dạng nguyên nhân. Theo bà Mina Chung, dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy cá nhân có nguy cơ gặp áp lực tài chính cao:

Lối sống paycheck to paycheck: Nghĩa là sống lệ thuộc vào từng tháng lương, làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, nên không nghĩ đến lâu dài được nhất là việc dành dụm, đầu tư.

Chi tiêu quá khả năng: Các bạn nên trích ít nhất 10% thu nhập tháng để dành dụm. Nếu chỉ tích cóp được 5%/tháng, bạn có nguy cơ gặp khủng hoảng tài chính cá nhân vì tích lũy không đủ cho mục tiêu tài chính ngắn và dài hạn.

Nợ nần: Đây có thể là các khoản nợ thẻ tín dụng, nợ tiêu sản, nợ đầu tư… Mọi chuyện sẽ trở nên kinh khủng hơn khi bạn thường xuyên vay tiền, khoảng cách giữa các lần mượn ngắn dần hoặc cần nhiều thời gian hơn để trả lại phần đã vay. Ngoài ra, nợ thẻ tín dụng, dùng khoản vay này để trả phần nợ khác cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc sống luôn áp lực về tài chính.

Thiếu sự chuẩn bị cho tương lai: Không có kế hoạch tài chính, bạn khó lòng xoay xở với những sự cố bất ngờ như thất nghiệp, thiên tai, dịch bệnh. Lúc này, dòng thu ổn định sẽ bị ngưng trệ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và gia đình.

Nếu không được nhìn nhận và thay đổi, các dấu hiệu trên sẽ phát triển thành stress và liên tục lặp lại. Trừ khi cá nhân có động thái thoát ra bằng cách xây dựng kế hoạch tài chính lâu dài, đồng tiền sẽ mãi là cơn ám ảnh khiến họ tuyệt vọng.

Không nên tự chịu đựng

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết khẳng định người chịu áp lực, hoặc chấn thương tinh thần vì tài chính có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ tâm lý gia. Tuy nhiên, trong tình huống này, mọi người không cho rằng sức khỏe tâm thần của mình đang gặp vấn đề.

“Nhiều người tin rằng chỉ có tiền mới giúp họ giải quyết vấn đề hiện tại. Trong khi đó, dưới cường độ căng thẳng cao, họ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Đây là lý do đưa họ đến những hành vi lệch lạc trong chi tiêu, hoặc một số quyết định bộc phát, nguy hiểm đến tính mạng”, bà Tuyết nói.

Bên cạnh đó, đặc điểm chung của đa số người có gánh nặng tài chính là ngại chia sẻ với gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Nỗi sợ trách nhiệm, bị đánh giá, coi thường hoặc thương hại luôn lớn hơn mong muốn được hỗ trợ kịp thời.

Thay vì tự chịu đựng trong âm thầm, bạn nên chủ động chia sẻ với người thân về gánh nặng tài chính. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.

Bà Tuyết đưa ra một số lời khuyên cho bạn trẻ đang mắc kẹt trong vấn đề tương tự:

  • Chủ động chia sẻ khó khăn: Đôi khi, dù biết bạn đang gặp vấn đề tiền bạc, người thân thiết vẫn không có khả năng tự đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình. Mặt khác, họ cũng không biết làm thế nào để cho lời khuyên hoặc phụ giúp bằng hành động trực tiếp.
  • Điều chỉnh mức độ kỳ vọng tài chính: Thay vì nỗ lực làm giàu, nhóm nhân sự trẻ mới ra trường hoặc đi làm được 3-4 năm chỉ nên đặt cho mình cột mốc vừa sức. Đồng thời, bạn cần tập trung nhiều hơn cho quá trình gặt hái kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp phục vụ cho giai đoạn tiếp theo.
  • Bỏ qua những sự so sánh: Thực tế, bất kỳ ai cũng dễ dàng bị đặt lên bàn cân, so đo mức thu nhập với bạn bè đồng trang lứa. Bạn chỉ nên tập trung hơn vào mục đích đã đặt ra. Hãy tự nhìn nhận bản thân bằng sự tiến bộ, thành quả có được qua thời gian. Mỗi người có điểm xuất phát hoặc yếu tố hỗ trợ riêng, nên việc so sánh dường như không giá trị.

“Thực tế, áp lực về tài chính không thể biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống. Dù vậy, bạn có nhiều lựa chọn để đối mặt với nó. Quan trọng hơn, hãy cố gắng xử lý lành mạnh, khéo léo khi cơn stress còn ở mức độ nhẹ. Nhờ đó, bạn sẽ hạn chế những tổn thương tâm lý gây hại đến chất lượng cuộc sống của mình”, chuyên gia nói thêm.

Chủ động lập kế hoạch dài hạn

Tương tự, bà Mina Chung cũng tin rằng không khó để giải quyết stress tài chính nếu cá nhân chủ động với vấn đề.

“Tôi xem tài chính như sức khỏe, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Tư duy phòng chống cho phép bạn chủ động chuẩn bị, lo toan trước cho nhiều trường hợp khó lường”, bà Mina cho biết.

Để làm được điều đó, bạn trẻ cần:

  • Tập trung trả hết các khoản nợ: Ngoài ra, quỹ dự phòng, mua bảo hiểm cũng là cách tốt để đảm bảo các bước tiến khác trong quản lý tài chính cho tương lai không bị ngưng trệ khi bất trắc xảy ra.
  • Tiếp tục đầu tư: Đầu tư sinh lời ở các kênh tương đối ổn định lâu dài như quỹ đại chúng, chứng chỉ tiền gửi, bất động sản là những lựa chọn đáng cân nhắc.
  • Lập kế hoạch tài chính lâu dài trước khi sang năm mới.
Sự so sánh dễ dàng gia tăng độ nghiêm trọng của gánh nặng tiền bạc. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Dưới đây là ví dụ các bước “hành động” nhằm tránh chấn thương tâm lý vì tiền bạc dành cho người trẻ ở độ tuổi 23-30, sống tại TP.HCM hoặc Hà Nội, chưa lập gia đình và có thu nhập 10 triệu đồng/tháng:

Dòng thu: Đây là vấn đề cần được quan tâm trước tiên. Liệu nguồn thu (lương, thưởng) đã đạt mức kỳ vọng của bạn từng đặt ra trước đó?

Trong 5-10 năm, bạn nên tăng dần mức kỳ vọng thu nhập, chẳng hạn 15-20 triệu đồng, thậm chí 30 triệu đồng/tháng. Để tăng khả năng chạm các cột mốc cao hơn hiện tại, bạn nên kết hợp các đầu việc freelance, cũng như cân nhắc đàm phán tăng lương.

Tiết kiệm: Mỗi tháng, bạn hãy dành 20% tiền lương, hoặc ít nhất 10% cho quỹ dự phòng (ít nhất ba tháng lương, tức 15-30 triệu đồng/năm). Bạn có thể tự động hóa khâu này bằng các lệnh tiết kiệm tự động vào tài khoản.

Khi phần quỹ này đã đầy, bạn vẫn duy trì dành dụm nhằm xây dựng tích lũy đầu tư. Đồng thời, cá nhân cần bắt đầu tìm hiểu về lãi kép, học cách sử dụng các công cụ tính để gia tăng lợi nhuận dài hạn.

Chi tiêu: Mọi khoản chi nên gói ghém trong tài khoản có 80% còn lại. Trong đó, hãy dành 50% cho chi tiêu cần, phần còn lại cho các chi tiêu muốn. Lưu ý, bạn cần cố gắng gia giảm phần tiền phục vụ giải trí, sở thích hết mức có thể.

Đầu tư: Hãy dùng quỹ tích lũy (2 triệu đồng/tháng, sau khi hoàn thành quỹ dự phòng) phục vụ mục đích này. Bởi nếu chỉ tích cóp đơn thuần, bạn rất khó đạt được mốc tài chính cao hơn.

Cá nhân nên dành thời gian tìm hiểu, lựa chọn kênh đầu tư dựa trên khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn, tính thanh khoản và khả năng sinh lợi. Đồng thời, bạn cũng nên tìm hiểu nhiều hơn về khoản rủi ro khi đầu tư, nhằm tránh cảnh thất thoát tài chính, bị lừa đảo.

Bảo toàn vốn: Bạn có thể mua bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo sức khỏe, cũng như hạn chế rủi ro gián tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính. Đồng thời, bạn nên tiếp tục đầu tư tích lũy dù đã đạt được mục tiêu tài chính. Nhờ đó, vấn đề lạm phát không ảnh hưởng đến giá trị tài sản bản thân đã tạo dựng.

Hồng Anh
Illustrator: Hina

– Nguồn: ZingNews