Cùng nhìn lại những bài học xương máu sau lần kinh doanh đổ vỡ với chuyên gia tài chính Mina Chung

Những bài học trong từ “trường đời” khởi nghiệp luôn thật đậm sâu và khó quên làm sao, nhất là các chủ doanh nghiệp đã đôi lần nếm trải hương vị ngọt ngào của chiến thắng lẫn đắng cay của thất bại.

Đau để trưởng thành – câu nói chính xác nhất để miêu tả cảm nhận của các nhà khởi nghiệp khi nhận được những bài học xương máu trong khởi nghiệp. Từ đó, bạn xây dựng ý thức tự chủ, trau dồi giá trị cá nhân và không quên việc khởi nghiệp thông thái hơn.

Ngày hôm nay, mời bạn cùng ngồi xuống và cùng nhìn lại những bài học “đau thương” trong việc kinh doanh khởi nghiệp của chị Mina Chung – sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu truyền cảm hứng – kiến thức – kinh nghiệm về tài chính đến 50 triệu phụ nữ Việt Nam.  Hi vọng các bạn đồng cảm được với những chia sẻ đặc biệt từ chị nhé!

  1. Làm một mình – nỗi vất vả nhân đôi cùng cô độc

Khởi đầu gian nan với cửa tiệm giày thời trang thương hiệu SAO vào khoảng hơn về 10 năm về trước, chị Mina Chung khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì dám một mình “đơn phương độc mã” gồng gánh “từ A tới Á” mọi công chuyện kinh doanh. 

Với nguồn vốn tự thân sẵn có, lại không có bất cứ sự hỗ trợ nào bên ngoài, chị một mình quản lý “tất tần tật” từ tài chính, kế toán, bán hàng, chăm sóc khách hàng,… Có một sự thật rằng, mỗi chúng ta không thể quán xuyến một cách toàn vẹn 100% “không tì vết” các công việc cũng như không phải ai cũng hội tụ đủ những tố chất và kỹ năng trong mọi lĩnh vực quản lý.

Sau hai năm bám trụ, chị tiếc nuối đóng cửa tiệm và quay trở lại công việc trước đây của mình. Qua lần “đổ vỡ” này, chị Mina đã có thêm những kinh nghiệm đáng giá mà theo chị là bất cứ ai cũng nên ghi nhớ. 

Đó là việc cần xác định rõ các vấn đề và đặt giả thiết:

  • Nếu bạn làm một mình, bạn sẽ cần có những yếu tố và điều kiện cần nào?
  • Nếu bạn có những người cộng sự cùng hợp tác, chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn và họ cần ngồi xuống và bàn bạc những điều kiện ra sao?
  • Nếu có cộng sự, họ sẽ đóng góp những gì (tiền bạc, công sức, nhân sự,…) để đồng tâm hiệp sức phát triển một cách bền vững..)

Chị Mina thẳng thắn chia sẻ: “Nếu bạn không hội tụ đủ những kỹ năng chuyên sâu trong việc quản lý, vận hành một doanh nghiệp, không sao cả, bạn có thể thử cân nhắc với việc nhận được trợ giúp hoặc san sẻ với một vài người cộng sự”.

Bài học số 1: Đừng ngần ngại nhận lấy những sự giúp đỡ từ người khác với bạn và doanh nghiệp của bạn. Cũng đừng quên chia sẻ công việc với những người cộng sự (nếu có) để các bạn cùng xây dựng doanh nghiệp vững mạnh.

  1. “Lỡ nhịp” bước tìm hiểu và đào sâu thị trường

Một trong những bước không thể thiếu trong việc kinh doanh đó là tìm hiểu thị trường. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ mỗi sản phẩm bạn muốn bán ra đều phải thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, có thế, họ mới tìm đến bạn.

Việc nghiên cứu thị trường giúp bạn hiểu được tâm lý, mong muốn, nỗi đau khách hàng,…từ đây, bạn xác định được giải pháp mình sẽ mang đến là gì, có tác dụng và hữu ích ra sao. Thế nhưng, chị Mina thừa nhận một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến chị buộc phải “chia tay” doanh nghiệp, đó là chưa tìm hiểu thị trường kỹ càng trước khi “tung” sản phẩm ra công chúng tiêu dùng.

Khi nhìn lại quãng thời gian ấy, chị Mina nhận định thời điểm lúc đó SAI khi ra mắt và kinh doanh sản phẩm tại Việt Nam, mà nếu ngay bây giờ, sản phẩm ấy ra đời thì sẽ được đón nhận và chắc chắn  sẽ bền vững hơn.

Chị Mina cho biết việc khảo sát, phỏng vấn, lắng nghe từng người khách hàng, tra cứu xem thị trường hiện tại đang “CẦN” và “KHÔNG CẦN” gì là bước mà các nhà khởi nghiệp chớ nên vội vã cho qua và cần thực hiện một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc. Bạn đừng quên quy luật “Có cầu thì mới cần cung” nhé. Chưa kể đó là việc thị trường Việt Nam liệu có giống với thị trường nước ngoài (điều này cần đặc biệt lưu ý với những bạn mang công thức/giải pháp/sản phẩm tại nước ngoài đã học hỏi được về kinh doanh tại Việt Nam) hay ngách hàng này có giống ngách hàng kia, mặt hàng này trên thị trường làm nhiều chưa, họ đã làm những gì và nếu bạn dấn thân vào nó, bạn có đủ tự tin cho rằng sản phẩm mình mang đến có sự chất lượng và độc đáo khác biệt?

Bài học số 2: Đừng bỏ quên khâu tìm hiểu và nghiên cứu sâu về thị trường càng không được làm qua loa cho có.

  1. Chuyện định giá – cần vững rồi mới mạnh

Từ bước tìm hiểu thị trường chưa kỹ, chị Mina đã không ít lần lo lắng điều chỉnh giá bán sản phẩm để thu hút khách hàng, đồng thời làm thêm các sản phẩm phụ khác nhằm tạo doanh thu “tạm bợ” cho từng tháng.

Chị Mina Chung nói thêm: “Nếu bạn để mặc cho thị trường “tàn nhẫn” lấy mất đi việc có nên tiếp tục công việc kinh doanh qua việc điều chỉnh  giá và định hướng dòng sản phẩm bán ra liên tục, bạn sẽ mất đi quyền chủ động và quên mục đích đầu tiên bạn mở kinh doanh để làm gì.”

Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng chân dung khách hàng, nhu cầu thị trường có mối liên hệ như “cá – nước” với việc định giá sản phẩm. Các doanh nghiệp nhỏ cần lưu ý điều này, bởi lẽ việc định giá sẽ kéo theo các chi phí sản xuất đội giá theo.

Bài học số 3: Đừng vội định giá sản phẩm nếu bạn chưa phác thảo được chi tiết chân dung khách hàng mà mình muốn phục vụ.

  1. When push comes to shove, think smart and act fast 

“  When push comes to shove- think smart and act fast” có thể tạm dịch hiểu là trong trường hợp xấu nhất, hãy suy nghĩ thấu suốt và hành động mau lẹ. Ở đây, chị Mina muốn nói đến giai đoạn chị quyết định rời bỏ chuyện kinh doanh và quay về với công việc hành chính.

Vì sao là think smart? Bạn cần suy nghĩ thấu đáo về việc tầm nhìn 3 – 5 năm nữa. Rằng nếu bạn tiếp tục, bạn còn đủ sức gồng lỗ hay không; bạn có muốn tiếp tục duy trì việc kinh doanh nếu tiếp tục chịu ảnh hưởng như hiện tại; bạn nên cắt lỗ hay tiếp vốn?

Chị Mina bật mí đó là bạn cần tính toán được chi phí cơ hội – phần thu nhập mất đi do đã không lựa chọn một cơ hội khác. Hay cụ thể hơn, nếu bạn tiếp tục kinh doanh bạn được bao nhiêu và mất bao nhiêu thay vì chọn quay về với công việc cũ hoặc đi một định hướng kinh doanh khác.

Vì sao là act fast? Sau khi suy nghĩ, đã đến lúc quyết định. Nếu buộc phải ngừng việc kinh doanh, dẫu biết rất khó khăn và khó quyết nhưng bạn cần phải đối diện. Khi chạm đến ngưỡng “đứt gánh”, có thể bạn sẽ quyết định cắt lỗ. Điều này đồng nghĩa với việc bạn ngừng việc vay mượn, kêu gọi đầu tư để tiếp tục chạy vốn. Bạn đi đến bước cuối cùng là ngưng hoạt động công ty.

Bài học số 4: Dẫu biết khó khăn trong từng lựa chọn, hãy nhìn thẳng vào tình hình thực tế của việc kinh doanh và đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu không, người chịu khổ là chính bạn.

Tổng kết:

Với những bài học sau những lần đổ vỡ kinh doanh từ chị Mina Chung, Money with Mina mong rằng bạn đã có được những thông tin và kinh nghiệm thú vị. Thất bại không hề đồng nghĩa với việc mọi thứ đều đen tối và kết thúc hoàn toàn, sẽ có những cánh cửa cơ hội khác đến với bạn. Học từ những sai lầm trong quá khứ sẽ giúp bạn thêm tiến bộ và thông suốt hơn trong mọi việc.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào thắc mắc, đừng ngần ngại liên hệ với Money with Mina để gặp gỡ chị Mina Chung nhé!