BẠN ĐÃ CÓ MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH VỚI TIỀN HAY CHƯA?

Chúng ta thường quan tâm đến các mối quan hệ gia đình, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp,… sao cho hòa hợp và phát triển cùng nhau. Có một sự thật bạn thường chưa nhận ra đó chính là đồng tiền cũng góp phần lớn để nuôi dưỡng những mối quan hệ của bạn trong đời sống. Lúc này bạn có thể suy nghĩ, bạn cần gì tiền để nuôi dưỡng một quan hệ, bạn cần gì tiền để có hạnh phúc. Bạn không sai! Nhưng bạn thật sự có dám chắc không? Tư duy đúng đắn và tích cực về tiền sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tài chính và mức độ hạnh phúc của bạn đó.

 

Vậy thì, bạn đã có mối quan hệ lành mạnh với tiền hay chưa? Hãy cùng Money with Mina tìm hiểu và đánh dấu các “checklist” để hiểu sâu hơn về tiền thật “healthy” nhé!

 

Mối quan hệ lành mạnh với tiền là như thế nào?

 

Đơn giản thôi, mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc chính là khi bạn biết cách quản lý, chi tiêu, đầu tư tiền một cách có TRÁCH NHIỆM với bản thân bạn và với đồng tiền bạn có được. Bạn làm điều này với tâm thế thoải mái, vui vẻ, không hề chịu áp lực hay căng thẳng nào từ bất cứ yếu tố nào.

 

Sự trách nhiệm trong việc quản lý tài chính sẽ giúp “sức khỏe” tài chính của bạn khỏe mạnh, cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân bạn.

 

Một cách hiểu khác nữa liên quan đến cách bạn nhìn nhận về đồng tiền. Tiền chính là công cụ quan trọng và cần thiết nâng đỡ bạn trong đời sống. Nhờ có tiền, bạn mua được thức ăn, đồ uống và thuốc men khi cần. Nhờ có tiền, bạn được tiếp cận giáo dục để có nền tảng kiến thức tốt, trang bị những kỹ năng “làm dày” thêm giá trị bản thân. Nhờ có tiền, bạn sẵn sàng đến với những trải nghiệm mới, mang lại vốn sống phong phú và đa dạng. Nhờ có tiền, bạn có thể đạt tự do tài chính để từ đó bạn dành thời gian của mình để làm những việc bạn yêu thích. Đối với gia đình, tài chính vững vàng là nền tảng nuôi dưỡng hôn nhân, tạo điều kiện cho con cái lớn khôn toàn diện và xây đắp tình cảm yêu thương. Và tất cả những gì bạn đã bỏ ra và đầu tư đúng đắn đều trở về để tạo nên một phiên bản của “bạn” thêm xứng đáng và tuyệt vời. 

 

Ngay lúc này, bạn có thể bắt đầu tự hỏi bản thân câu hỏi “Bạn đã có mối quan hệ lành mạnh với đồng tiền hay chưa?”

 

Dấu hiệu cho thấy bạn và tiền đang rất “healthy”?

 

Tư duy về tiền

Tiền không xấu, tiền rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng tiền không phải là tất cả để bạn mới có được hạnh phúc. Con người không nên là nô lệ của đồng tiền, nhưng mình biết quản lý tiền, xem đó là công cụ, để nó có thể là “nô lệ” của mình, phục vụ cho cuộc sống của mình. Yêu tiền không phải là điều xấu, thật ra, yêu tiền cũng là một cách để thương mình.

 

Chi tiêu có kế hoạch

 

Bạn đã cố gắng kiếm ra tiền rất vất vả và cực nhọc rồi, vì thế việc chi tiêu có kế hoạch là rất cần thiết. Nếu bạn đang tiêu tiền vô tội vạ và cho đó là việc bạn “yêu” chính mình thì rất có thể cuối tháng bạn sẽ khá “nhọc nhằn” đó.

 

Nếu bạn cứ mải mê tiêu số tiền mình có mà không tính toán kỹ lưỡng, không nắm rõ những ngày tới mình sẽ dùng tiền như thế nào thì việc chi tiêu quá mức hay hết tiền ngay khi lương về là điều dễ hiểu. Đây chính là một số biểu hiện “không lành mạnh” của bạn và tiền đấy nhé! Việc chi tiêu có kế hoạch có thể bắt đầu từ việc bạn tổng hợp lại các khoản tiền mình đang có, phân chia ống heo và không quên tiết kiệm ngay sau khi “ting-ting” có lương. Với 03 khoản mục là CẦN – MUỐN – TIẾT KIỆM tương ứng 50% – 30% – 20% bạn sẽ dễ dàng kiểm soát dòng tiền hơn.

 

Bạn vẫn có thể tự thưởng cho mình nếu tháng đó bạn hoàn thành được mục tiêu tiết kiệm hay sau khi tự tay lên bảng chi tiêu cho mỗi mục. Chỉ là bạn nên suy nghĩ một chút trước khi mua để tránh mua phải những món mình không cần thiết bởi vì  bạn có khả năng mua không đồng nghĩa với việc nên mua. Xây dựng thói quen xài một đồng mình vui, tiết kiệm hai đồng sẽ vui hơn.

 

Có quỹ khẩn cấp và bảo hiểm nhân thọ

 

Michela Allocca – tỷ phú tự thân ở tuổi 30, đồng thời là tác giả cuốn sách Break your budget cho biết hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ không đủ khả năng chi trả các khoản phí khẩn cấp 1000 USD. Đây là một dấu hiệu đáng buồn về quản lý tài chính cá nhân.

 

Không ít người cho rằng “Chuyện tới đó rồi tính” nhưng đáng tiếc, chuyện không may thường xảy ra bất ngờ – những lúc bạn chưa kịp chuẩn bị gì để ứng phó. Đơn giản thôi và không ai mong muốn, bạn sẽ làm gì và lấy nguồn tiền ở đâu nếu gia đình bạn gặp biến cố (hỏa hoạn, lũ lụt, tai nạn,…) hay người trụ cột gia đình mất đi khả năng tạo ra thu nhập trong khoảng thời gian ngắn?

 

Bạn cuống cuồng lên với những mớ bòng bong và tìm ra giải pháp “cứu vớt” vấn đề. Nếu không có quỹ dự phòng dành cho những tình huống khẩn cấp, bạn sẽ phải “rút” ống heo tiết kiệm dành cho các khoản mục mua nhà, giáo dục cho con cái, đi du học, nghỉ hưu sớm tuổi 50,… để lấp vào lỗ hổng “trên trời rơi xuống”. Thời gian thực hiện các mục tiêu tài chính sẽ kéo dài hơn và bạn cần nhiều nỗ lực xây dựng hơn. Hơn nữa, áp lực tài chính và 1001+ thứ khác sẽ khiến bạn thêm bất an, chật vật.

 

Xây dựng quỹ dự phòng (góp từ 03 – 06 tháng lương) là vô cùng cần thiết, giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để đối diện và tự tin đưa ra quyết định với những thách thức và biến động. Đừng quên bảo hiểm nhân thọ vì đây là cách thức hỗ trợ bạn khi sức khỏe thân thể gặp vấn đề về tài chính và là một kênh đầu tư khá an toàn.

 

Dành một phần thu nhập hàng tháng để đầu tư

 

Việc trích một phần thu nhập để đầu tư cho thấy bạn đang muốn mở rộng nguồn thu nhập, “trình” quản lý chi tiêu đang rất hiệu quả và khả năng cao – sức khỏe tài chính của bạn đang ổn định. 

 

Nếu bạn quan tâm đến vàng, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,… thì hãy bắt đầu tìm hiểu kiến thức chuyên môn và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tài chính. Ngoài ra, một số kênh đầu tư như bảo hiểm liên kết ngân hàng, chứng chỉ quỹ,… khá thích hợp cho người mới và có số vốn vừa đủ. 

 

Dù bạn là ai, thuộc bất cứ giới tính nào, bạn vẫn có thể giữ tiền, kiếm tiền và đầu tư tốt nếu có đáp ứng đủ năng lực, không ngừng trau dồi học hỏi và được cung cấp kiến thức và thông tin tài chính đầy đủ, toàn diện và chính xác.

 

Nợ càng ít, sống càng vui

 

Nếu bạn không kiểm soát chi tiêu, không chuẩn bị cho các tình huống xấu và không có nguồn thu nhập thụ động thì khả năng cao bạn sẽ dễ bị nợ “gọi mời”.

Bạn mượn rồi trả, trả rồi lại mượn tạo nên một vòng lặp “mệt mỏi” cho cả người cho vay lẫn người trả nợ. Thế là vừa có lương, lương lại ra đi cùng với nợ. 

 

Một câu chuyện khác chính là việc sử dụng thẻ tín dụng (credit card) không kiểm soát. Nếu như tiền mặt trong ví hay tiền trong thẻ ghi nợ (debit card) dễ theo dõi và giúp người dùng ý thức “hết tiền hay chưa” thì với thẻ tín dụng, bạn dễ sa đà vào chi tiêu vô lối do số tiền có sẵn và suy nghĩ “xài trước, trả sau, tiêu sao cũng được”.

 

Cố gắng ưu tiên trả hết các khoản nợ là điều kiện cần thiết để bạn tiến đến thiết lập các mục tiêu tài chính khác như mua nhà, độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm,…hoặc ít nhất cũng nên kiểm soát được những khoản nợ đang tồn tại. Bạn nên cố gắng kiểm soát mức chi tiêu khi sử dụng thẻ tín dụng không vượt quá 50% thu nhập và chỉ nên có tối đa 02 thẻ mà thôi.

 

Tổng kết:

 

Mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc có thể trở thành một mục tiêu để bạn phấn đấu song song với việc phát triển bản thân. Đơn giản 01 năm sau, bạn đã trả hết nợ, chi tiêu quy củ hơn, bắt đầu đầu tư, tham gia bảo hiểm nhân thọ để bảo đảm tài chính và chủ động hơn với quỹ dự phòng. Bạn có thể bắt đầu từng bước nhỏ và từ tốn để tháo gỡ những vướng mắc và cải thiện tình trạng tài chính tốt hơn từng ngày.

 

Hãy tận dụng và quản lý tài chính bền vững để gia tăng kiến thức, trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống theo đúng nghĩa bạn mong muốn nhé!