Ai nên là người quản lý chi tiêu trong mối quan hệ

Tiền bạc thường được xem là một chủ đề nhạy cảm đối với nhiều đôi yêu nhau. Theo khảo sát vào năm 2021 của Fidelity, cứ 5 đôi lại có 1 cặp xem tài chính là thử thách lớn nhất của mối quan hệ.

Tôi từng gặp nhiều cặp tình nhân, vợ chồng loay hoay với việc phân chia nhiệm vụ tài chính. Họ khá cứng nhắc với quan điểm nam giới phụ trách đầu tư, mở rộng khối tài sản, nữ giới quán xuyến các chi phí đời sống. Thậm chí, nhiều cá nhân cho rằng ai kiếm được nhiều tiền hơn sẽ toàn quyền chi phối kế hoạch chi tiêu.

Theo tôi, người nắm vững kiến thức tài chính, biết quản lý dòng tiền hơn nên đảm nhận trách nhiệm này. Tuy nhiên, mọi thứ cần được thống nhất trên tinh thần minh bạch và tôn trọng lẫn nhau nhằm đem đến sự kết nối lâu dài.

Khó tránh mâu thuẫn

Ở đây, tôi tập trung vào cả 2 trường hợp: đôi trẻ đang sống thử và đã kết hôn. Bởi lúc này, sự cam kết đã được nâng lên cao hơn so với giai đoạn trước đó.

Thông thường, phần lớn cặp đôi dễ xảy ra mâu thuẫn trong tài chính bởi một số lý do sau:

Khác biệt về thói quen tiêu xài: Chẳng hạn, một người chuộng tiết kiệm, nửa kia lại quen chi tiêu phóng khoáng. Hoặc bạn quan tâm đến đầu tư, muốn phát triển khối tài sản chung, trong khi người yêu lại thoải mái với việc “có bao nhiêu, xài bấy nhiêu”.

Không có tiếng nói chung: Nhiều đôi trở nên ngượng ngùng khi phải đề cập đến chuyện tiền nong dù có nhiều khúc mắc. Họ xem đây là điều cấm kỵ (taboo) và cho đó là nguyên nhân dẫn đến bất hòa.

Đặc biệt, theo quan sát của tôi, câu chuyện “tiền anh, tiền em, tiền chúng ta” luôn khiến các đôi trẻ chật vật.

Nếu không giao tiếp và thỏa hiệp, hai người dễ xảy ra xung đột vì những khác biệt trong tư duy, thói quen tiêu xài.

Một số người tạo tài khoản chung nhưng không đi đến thống nhất trong tiêu xài. Ngược lại, việc quá sòng phẳng, tách bạch mọi thứ cũng dễ dàng đẩy hai người vào nhiều tình huống ngại ngùng, tranh cãi.

Nghiêm trọng hơn, cảm xúc tiêu cực như tức giận, thất vọng, cảm thấy bị xem thường sẽ lấn át tình yêu và mong muốn xây đắp tương lai chung. Nếu bạn và đối phương tiếp tục ngó lơ hoặc chấp nhận “sống chung với lũ”, đổ vỡ là kết cục tất yếu cho mối quan hệ này.

Luôn thành thật với nhau

Thực tế, không có phương án giải quyết nào có thể áp dụng cho mọi trường hợp.

Vấn đề cốt lõi là hai người cần trung thực và cởi mở. Khi đã đủ thành thật và tin tưởng, việc dùng tài khoản riêng hay gom chung sẽ không còn là vấn đề khiến đôi bên tranh cãi.

Ngoài ra, hãy nắm bắt hoặc tự mở ra cơ hội để trò chuyện về tài chính. Bởi dưới góc nhìn của tôi, vấn đề này đáng ra phải được bàn bạc từ thời còn hẹn hò nhằm tạo cơ hội cho đôi bên cùng chuẩn bị tâm lý và thực hành chia sẻ tài chính.

Lương và kỳ vọng ở tương lai là hai trong số chủ đề nên được làm rõ khi hẹn hò. Song song đó là cách quản lý tài chính cá nhân, các khoản đầu tư và tiết kiệm, người phụ thuộc, kế hoạch hưu trí,…

Nhiều đôi trẻ xem tài chính là điều cấm kỵ và cố lảng tránh mỗi khi có thể.

Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý để hai người đào sâu mong muốn cá nhân, từ đó xây dựng kế hoạch tiền nong hợp lý cho cuộc sống chung:

  • Anh/em có ngân sách chi tiêu cá nhân không? Chúng ta có thể chia sẻ với nhau được không?
  • Anh/em đã dành dụm được bao nhiêu tiền và nợ bao nhiêu vào lúc này?
  • Các hóa đơn hàng tháng sẽ được trả như thế nào? Ai là người trả?
  • Anh/em thích đầu tư sinh lời cao hay tích lũy an toàn, ổn định?
  • Anh/em là người tiết kiệm hay thích tự thưởng bản thân? Trong khuôn khổ tài chính cho phép, chúng ta làm thế nào để vừa thỏa mãn sở thích, vừa xài tiền thông minh?
  • Anh/em nghĩ thế nào nếu cả hai cùng quản lý tài chính? Với mục tiêu chung đề ra, mỗi bên nên đóng góp như thế nào?
  • Nếu một trong hai người mất việc hay muốn nghỉ làm 1-2 năm cho dự định riêng, người còn lại có sẵn lòng hỗ trợ?
  • Trong trường hợp có con, quỹ chung dành cho em bé được xây dựng ra sao?

Sau 26 năm kết hôn, tôi và chồng luôn có một cuộc hẹn hàng tháng để lên ngân sách chi tiêu cho gia đình. Mỗi khi có vấn đề về tiền bạc, chúng tôi nói với nhau thay vì tự tìm cách giải quyết. Ngoài ra, cả hai sẽ tập trung vào “chúng ta”, thay vì xét đến trách nhiệm riêng lẻ.

Hướng đến quỹ chung

Trong trường hợp thực sự tin tưởng và sẵn sàng để xây dựng phần “tiền của tụi mình”, tôi có 3 lưu ý cho các bạn:

Làm rõ ngân sách

Xác định cụ thể các khoản chi sẽ xuất hiện như tiền nhà, điện nước, xăng xe, du lịch, bảo hiểm gia đình, tiền biếu phụ huynh hai bên… Ngoài ra, vấn đề tích lũy, đầu tư và quỹ dự phòng cũng phải được lưu tâm.

Nên nhớ, điều này không đồng nghĩa với việc từ bỏ ngân sách của từng bên. Bạn vẫn cần tự lập kế hoạch tiền bạc cho chính mình, nếu muốn thực sự là một người trưởng thành độc lập.

Xây dựng tài khoản chung là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của đôi bên trong mối quan hệ.

Phân chia nhiệm vụ

Sau khi tính toán kỹ lưỡng, hai người cần nhìn nhận khả năng chi trả của đôi bên để “chia việc”.

Chẳng hạn, bạn xác định cần 20 triệu đồng/tháng cho mọi khoản đã liệt kê. Với mức lương cao hơn, chồng/bạn trai sẽ chịu trách nhiệm 60%, phần còn lại để vợ/bạn gái lo liệu.

Tỷ lệ ra sao phụ thuộc vào tình trạng công việc và nguyện vọng của đôi bên. Lúc này, giao tiếp và thỏa hiệp là chìa khóa để đưa ra quyết định chung phù hợp.

Cân nhắc khi tạo tài khoản chung

Thông qua tài khoản chung, mọi chi tiêu khi chung sống sẽ được thể hiện rõ ràng. Hai bạn có thể chuyển trực tiếp phần tiền đã thống nhất vào đây ngay sau khi nhận lương. Bên cạnh một số khoản có thể đặt lệnh trả tự động, đôi bên nên chọn ra một người đại diện lo liệu những đầu tiền ra – vào còn lại.

Ngoài tài khoản chi tiêu, đừng quên bạn còn có trách nhiệm xây dựng và duy trì tài khoản tiết kiệm. Đây là cơ sở để cả hai hướng đến những quyết định quan trọng hơn trong tương lai, chẳng hạn cất nhà, mua xe hoặc có em bé.

Quan trọng hơn cả, hãy đầu tư thời gian và công sức để quản lý tốt phần tài sản này như một cách thể hiện trách nhiệm với cuộc sống của nhau.

– Hồng Anh
– Đồ họa: Yến Nhi