7 câu hỏi giúp bạn không quyết định đầu tư sai lầm

Tôi nhìn thấy xung quanh mình rất dễ để bắt gặp những thông tin quảng cáo hấp dẫn như “Cam kết lợi nhuận 30%”, “Làm giàu với 3 bước đơn giản”… Mặc dù món hời nghe quá tốt đến mức khó tin, vẫn có rất nhiều người vội vã nghe theo và “xuống tiền” mà không kiểm chứng thông tin trước khi ra quyết định. Thế là chúng ta vô tình đã “sập bẫy” lừa đảo của những kẻ xấu. Không ít trong số đó đã mất phần lớn tài sản, vướng phải nợ nần và rất khó phục hồi lại sức khoẻ tài chính của mình sau nhiều năm.

7 câu hỏi sau đây có thể giúp bạn kiểm chứng thông tin trước khi lựa chọn kênh đầu tư.

1. Đây có phải là quyết định cảm tính không?

Đừng cảm thấy bắt buộc phải nói CÓ chỉ vì bạn bè của bạn là người đưa ra giao dịch. Rất nhiều mô hình lừa đạo, hay còn được gọi là mô hình Ponzi (*), hoạt động thông qua hình thức giới thiệu bạn bè, người thân tham gia. Trong trường hợp này bạn nên bình tĩnh và thu thập thêm thông tin. Dành vài ngày suy nghĩ kỹ về vấn đề này để đảm bảo rằng mình không đồng ý chỉ vì cảm xúc chi phối.

2. Lợi thế và hạn chế của dự án này là gì?

Mặt lợi là những gì bạn có thể sẽ nhận lại nếu quyết định đầu tư. Vào thời điểm đó, nếu như giao dịch này có lợi thế là xu hướng của thị trường, thì bạn có thể tự hỏi rằng liệu có phải thật sự là một giao dịch tốt không so với mặt bằng chung.

Ngược lại, mặt hại là những gì có thể là thông tin đáng nghi, những vấn đề hạn chế trong giao dịch. Hãy tìm thật nhiều những mặt hại của giao dịch này bao gồm cả về ngắn hạn và dài hạn vì nó có thể sẻ ảnh hưởng đến tình hình tài chính hay những kênh đầu tư khác của bạn.

3. Tôi sẽ mất gì nếu tôi không đầu tư?

Mỗi người đều có 2 nguồn lực hữu hạn: thời gian và tiền bạc. Vì thế điều này rất quan trọng khi bạn đặt tiền bạc và thời gian lên bàn cân để có quyết định lựa chọn bất kì một giao dịch nào. Nhận biết giá trị ròng của một khoản giao dịch đôi khi sẽ khiến bạn phải “từ chối” rất nhiều cơ hội, tuy nhiên bạn cũng không thể phớt lờ chúng được. Nếu bạn phân vân, bạn có thể tìm thêm ý kiến của một số người đáng tin cậy và có kinh nghiệm hoặc kiến thức về lĩnh vực đó để cân nhắc thêm.

4. Tôi có sẵn sàng chịu rủi ro không? Nếu thất bại, tôi có được bảo hộ không? Có thể phòng ngừa rủi ro bằng cách nào?

Nếu bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán, bạn nên có cho mình một quỹ dự phfong (khoảng 6 tháng lương) và bảo hiểm sức khoẻ trước khi bạn quyết định đầu tư. Đây là chiến lược an toàn giúp bạn không phải đặt cược chất lượng cuộc sống của mình khi rủi ro đầu tư xảy ra.

5. Đã có đủ cơ sở tin tưởng chưa? Tỷ lệ thành công như thế nào?

Nếu có một ai đó giới thiệu với bạn một cơ hội đầu tư, những cơ hội này thường là những thông tin bạn chưa biết. Do vậy việc của chúng ta là làm rõ tất cả những nghi ngờ mà bản năng đang mách bảo. Cố gắng tìm hiểu thông tin chính thống, khoa học và đừng e ngại việc hỏi sự trợ giúp từ người khác.

6. Những lợi ích hữu hình từ giao dịch là gì?

Một số dự án đầu tư có thể đưa ra những lợi ích vô hình ví dụ như nguồn tin bí mật, công thức bí mật, mối quan hệ… Mặc dù đây là những lợi thế rất tốt, nhưng những lợi thế vô hình này sẽ trở nên vô ích nếu như không biết cách tận dụng chúng một cách phù hợp. Thay vào đó, nên chọn những loại hình đầu tư mà bạn dễ dàng nhìn thấy được lợi nhuận của mình. Nếu bạn muốn đầu tư vào những tài sản vô hình, hãy chuẩn bị cho mình nhiều kĩ năng mềm hơn ví dụ như tư duy phản biện, định giá doanh nghiệp… để có thể phục vụ cho giao dịch của bạn.

7. Vì sao họ lại cần tôi đầu tư? Vì sao những nhà đầu tư khác tham gia? Những bên liên quan trong mô hình kinh doanh này là ai?

Bạn có thấy lo sợ không? Một số những dòng quảng cáo mà bạn nên cẩn trọng là “Mọi người đều đang làm việc này” / “Đây là xu hướng” / “Đó là cơ hội dành riêng cho một số ít người được chọn” / “Bạn bè của bạn đang kiếm được rất nhiều tiền từ X”

Nếu thỏa thuận nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thật, thì có thể là lừa đảo.

Chúc các bạn sẽ có những quyết định sáng suốt lựa chọn kênh đầu tư của riêng mình! 

– Money With Mina team